Toàn thế giới tạm ngừng sản xuất kinh tế để chống dịch. Máy móc công nghiệp, giao thông vận tải không hoạt động nên các cơn rung chấn giảm tới 1/3. Điều này giúp nghiên cứu hoạt động núi lửa, động đất trở nên dễ dàng hơn.
Rung động địa chất xuất phát từ "tiếng ồn văn hóa" - là tổng hợp của mọi loại tiếng ồn sinh ra từ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của con người. Chúng bao gồm âm thanh từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, âm nhạc và cả tiếng nói của hàng tỉ con người trên khắp hành tinh.
Trái đất như đang yên tĩnh hơn kể từ khi Covid-19 xuất hiện - (Ảnh: NASA).
Những rung động địa chất dai dẳng của Trái đất là một trong những cản trở rất lớn trong nghiên cứu hoạt động núi lửa và động đất. Thế nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của Covid-19 từ cuối tháng 12/2019 đến nay, rung động này đã giảm tới 1/3, theo NewsWeek.
Nguyên nhân được cho là việc các quốc gia trên thế giới thực hiện biện pháp phong tỏa, cách ly, tạm ngừng hoạt động kinh doanh sản xuất. Người dân không còn ra ra đường, phương tiện giao thông không hoạt động, máy móc công nghiệp cũng ngừng nghỉ đã khiến Trái đất như "yên lặng" hơn, không còn ồn ào nữa.
Bên cạnh việc giảm tiếng ồn, không khí cũng trở nên trong lành hơn. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy việc giảm phương tiện trên đường và sản xuất công nghiệp có thể khiến lượng khí thải carbon dioxide giảm mạnh gần 50% so với năm 2019.
Thomas Lecocq, nhà nghiên cứu địa chấn tại Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ ở Brussels, cho biết lượng rung chấn giảm mạnh khiến Bỉ thực sự yên tĩnh. Điều tương tự cũng đo được tại Anh, Mỹ.
Trong nghiên cứu địa chất Trái đất nói riêng, việc giảm tiếng ồn là một điều hữu ích. Bởi lẽ, thông thường khi đo rung chấn, các nhà khoa học rất mất thời gian để nghiên cứu, phân lọc đâu là rung chấn từ lòng đất và đâu là rung chấn từ bề mặt Trái đất do con người gây ra. Sự lẫn lộn giữa hai loại rung chấn dễ dẫn đến những phán đoán sai lầm.
Nhưng hiện nay, nhìn theo hướng tích cực thì hoạt động nghiên cứu này được thực hiện dễ dàng hơn.