Trăn gần 100kg ở Sóc Trăng là trăn đất

  •  
  • 4.140

Một người nông dân tên Trần Minh Sanh (phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vào chiều 3/8 trong lúc đang chăm sóc rẫy ngô sau nhà đã vô tình đạp lên thân một con trăn khổng lồ.

Con trăn mà anh Sanh bắt được là trăn đất
Con trăn mà anh Sanh bắt được là trăn đất

Con trăn nặng gần 100kg, dài hơn 6m. Tưởng gặp phải “mãng xà”, anh Sanh vứt nông cụ bỏ chạy vào nhà, truy hô với mọi người. Khi hàng chục thanh niên bao vây rẫy ngô, “mãng xà” làm anh Sanh thất kinh hồn vía là con trăn đang sắp lột da. Sau khi vây bắt, tám người trong gia đình Sanh đã khiêng con trăn vào nhà rồi hàn chiếc lồng sắt lớn để nuôi.

Anh Sanh và nhiều người dân địa phương cho rằng đây là loài trăn gấm nhưng theo TS Nguyễn Quảng Trường, phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH-CN Việt Nam), đây là loài trăn đất chứ không phải trăn gấm.

Trăn đất có tên khoa học là Python molurus, thuộc họ Trăn Pythonidae, bộ Có vảy thuộc lớp Bò sát. Loài Trăn đất thường sinh sống trên cây ở những khu rừng nhiệt đới ẩm, gần nguồn nước. Chúng phân bố ở vùng rừng núi của Châu Á từ Pakistan và Ấn Độ qua các nước Đông Nam Á xuống đến Indonesia ở phía Nam. Tuổi thọ của loài Trăn đất có thể lên tới trên 20 năm. Loài trăn đất sống ở nhiều dạng sinh cảnh khác nhau từ rừng ngập mặn ven biển cho đến rừng nhiệt đới trên núi đất hoặc núi đá. Thức ăn của chúng là các loài động vật như thú, chim và các loài bò sát khác. Trăn có thể nuốt các loài động vật có kích cỡ lớn hơn cả đường kính cơ thể của nó do có cấu tạo xương hàm không dính liền nhau. Loài Trăn đất có thể đẻ tới 100 trứng và trăn cái có tập tính ấp trứng.

“Trăn đất bị săn bắt cạn kiệt trong tự nhiên để phục vụ nhu cầu của con người như nấu cao, lấy da và làm thực phẩm. Do đó Trăn đất được xếp vào những loài cần được bảo vệ cả ở Việt Nam và trên thế giới”, TS Trường cho biết.

Trăn đất thuộc Nhóm IIB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại; bậc Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và mức Sắp bị đe dọa (LR/NT) trong Danh lục Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới IUCN (2012).

Trước đó, chiều 1/7 một người chăn dê tên là Phạm Thái Học (xã Xuân Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng bắt được một con trăn đất nặng chừng 40kg, dài 4m, đường kính bụng từ 30-50cm trên đỉnh núi Hồng Lĩnh.

Theo Đất Việt
  • 4.140