Tranh cãi về giải pháp chữa bệnh bằng phân người

  •  
  • 1.538

Cấy phân được kỳ vọng trở thành tương lai của y học nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Năm 1957, nhà vi sinh vật huyền thoại Stanley Falkow đề nghị bệnh nhân tại bệnh viện nuốt phân của chính họ. Khi ấy, người sắp phải phẫu thuật phải uống một lượng lớn thuốc kháng sinh để tiêu diệt hết vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thế nhưng thuốc cũng giết chết các vi khuẩn đường ruột, dẫn đến tiêu chảy hoặc khó tiêu. Nhằm ngăn chặn vấn đề này, Falkow cùng đồng nghiệp tiến hành thu thập phân của bệnh nhân.

Bằng cách nuốt chửng phân được truyền dẫn vào viên nang, bệnh nhân bổ sung vi khuẩn cho đường ruột. Tình hình trên kéo dài hàng tháng. "Quản đốc bệnh viện phát hiện vụ việc. Ông ấy chất vấn tôi rằng có thật tôi cho bệnh nhân ăn phân không", Falkow sau này kể lại. Nhà vi sinh vật thừa nhận và bị đuổi việc nhưng chỉ sau 2 ngày đã được thuê lại. Ông không ghi lại dữ liệu nào từ cuộc thử nghiệm không chính thức, song các nhân chứng khẳng định toàn bộ bệnh nhân uống phân đều cảm thấy khỏe hơn.

60 năm sau, cấy phân dần được giới y học chấp nhận. Thậm chí nhiều chuyên gia sức khỏe tin rằng nó sẽ mở ra tương lai mới cho y tế thế giới.

Theo The Atlantic, cấy phân thường được sử dụng để chữa trị các bệnh do nhiễm Clostridium difficile (C-diff), loại vi khuẩn nguy hiểm gây tiêu chảy nặng, kéo dài. Nó dựa trên ý tưởng vi sinh vật của nhà tài trợ sẽ tái khởi động hệ thống vi sinh vật trong cơ thể người nhận.

Mẫu phân chuẩn bị cấy ghép
Mẫu phân chuẩn bị cấy ghép. (Ảnh: stephanieclairmont.com).

Dù khó tin, cấy phân thực sự có hiệu quả. Y văn đã ghi nhận hàng trăm trường hợp hồi phục kỳ diệu nhờ phương pháp này. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy trong khi kháng sinh thông thường chỉ đạt hiệu quả 27%, cấy phân giúp 94% người nhiễm C-diff khỏi bệnh.

Tất nhiên, vẫn còn đó những vấn đề. Cấy phân gây khó chịu và dễ phát tán mầm bệnh nên bác sĩ phải xét nghiệm kỹ càng những nhà tài trợ tiềm năng. Thêm vào đó, phân khác với mọi loại thuốc. Chúng được tạo nên từ hàng loạt vi khuẩn, virus chưa xác định cùng các thành phần biến đổi theo từng nhà tài trợ. Điều này khiến các nhà quản lý không khỏi đau đầu bởi làm thế nào chứng nhận một sản phẩm không do nhà máy làm ra và thay đổi mọi lúc?

Để giải quyết câu hỏi trên, hai biện pháp được đưa ra. Cách thứ nhất là lấy phân của nhà tài trợ khỏe mạnh nhất, đóng băng và tái sử dụng nhiều lần. Cách thứ hai là pha chế hỗn hợp thay thế để vẫn đạt hiệu quả như ghép phân mà không cần dùng đến chất thải người.

Lựa chọn thứ hai được nhiều công ty lựa chọn, bao gồm cả Seres Therapeutics (Mỹ). Sản phẩm SER-109 của họ dưới dạng một viên nang duy nhất chứa 100 triệu bào tử từ 50 loài vi khuẩn đường ruột, tinh chế từ phân nhà tài trợ với mục đích điều trị các chứng nhiễm trùng C-diff. SER-109 được đặt nhiều kỳ vọng song không thu về kết quả mong muốn. Sau 8 tuần, các bệnh nhân tham gia thử nghiệm bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy trở lại. Nói cách khác, viên thuốc không phát huy tác dụng.

Thất bại trên không phủ nhận giá trị của cấy phân mà cho thấy trở ngại trong việc phổ biến phương pháp này ra thị trường. Nhà khoa học Diane Hoffmann từ Đại học Maryland (Mỹ) nhận định: "Rõ ràng có một yếu tố khiến ghép toàn bộ phân vô cùng hiệu quả. Vấn đề là chúng tôi không biết đó là gì và nhiều khả năng sẽ rất khó để tháo gỡ".

Vài chuyên gia như Elaine Petrof từ Đại học Queen (Australia) tin rằng "phân chỉ mang tính tạm thời" và chắc chắn thay thế được bằng hỗn hợp vi khuẩn xác định. Không đồng tình với ý kiến này, Alexander Khoruts từ Đại học Minnesota (Mỹ) nói: "Vi khuẩn từ các nhà tài trợ do tự nhiên thiết kế và đã chứng minh độ an toàn đối với vật chủ. Đây là một chuẩn mực rất khó đạt tới".

Nhà vi sinh vật Noah Fierer từ Đại học Colorado (Mỹ) viết, không thể xem nhẹ vấn đề sinh thái. Hệ vi sinh vật bên trong cơ thể người không phải thứ đơn giản mà chúng ta dễ dàng tinh chỉnh bằng cách thêm bớt. Hệ sinh thái ấy rộng lớn tựa như một khu rừng nhiệt đới hay một cánh đồng. Để kiểm soát nó thành công, chúng ta cần hiểu rõ hơn về thành phần các loài, cách chúng cạnh tranh và hợp tác với nhau, cách chúng tương tác với vật chủ (con người) và cách chúng phản ứng khi được chuyển sang vật chủ khác. Rất nhiều câu hỏi về cấy phân đang chờ được trả lời và nhân loại mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

Cập nhật: 26/12/2016 Theo VnExpress
  • 1.538