Nếu bé ở độ tuổi lên 1 mà không phản ứng khi được người khác gọi tên thì có thể có nguy cơ cao mắc bệnh tự kỷ, một nghiên cứu mới đây cho biết.
Việc nhận dạng bệnh sớm đồng nghĩa với việc có thể can thiệp sớm và mang lại kết quả tốt hơn, các tác giả của hai nghiên cứu về vấn đề này cho biết.
Chứng rối loạn tự kỷ dường như phổ biến hơn nhiều chúng ta tưởng. Trung tâm Kiểm soát và quản lý bệnh tật Mỹ gần đây thông báo rằng cứ trong 150 trẻ 8 tuổi ở Mỹ thì 1 trẻ có dấu hiệu rối loạn này. Con số đó cao hơn các ước tính trước đây.
Người mắc bệnh tự kỷ rất khó hoà nhập với xã hội, thiếu các kỹ năng ngôn ngữ và thường thể hiện những hành vi lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, căn bệnh này thường không được phát hiện cho đến lúc trẻ 3-4 tuổi, mặc dù một nửa số cha mẹ có con mắc bệnh này nhận ra sự trục trặc trong sự phát triển của chúng từ trước khi trẻ lên 1.
Các phát hiện mới đây có thể giúp chẩn đoán sớm hơn. Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm khoa học tại Viện M.I.N.D., Đại học Davis, bang California, tìm thấy rằng những em bé đến một tuổi mà vẫn chưa biết đáp ứng khi được gọi tên có nhiều khả năng bị tự kỷ hoặc các rối loạn khác ở thời điểm lên 2.
Nghiên cứu thứ hai tại Đại học Vanderbilt ở Nashville (Mỹ) tìm thấy rằng anh em ruột của những trẻ tự kỷ đạt điểm số thấp khi kiểm tra về khả năng giao tiếp và xã hội so với anh em ruột của những trẻ bình thường.
T. An