(khoahoc.tv) - Một số trẻ em có chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) bình thường có thể thực sự bị béo phì, vì chúng có chất béo trong cơ thể tăng mà không được phát hiện bởi đánh giá qua chỉ số khối cơ thể, một nghiên cứu mới công bố cho hay.
>>> Giá rau quả tăng làm tăng trẻ em béo phì
Kết quả là một số bậc phụ huynh có “một sai lầm về cảm giác yên tâm” rằng con của họ không bị béo phì, và rằng họ không cần phải chú ý đến cân nặng của con em mình, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Francisco Lopez-Jimenez nói. Lopez-Jimenez là giám đốc Khoa phòng ngừa bệnh tim tại bệnh viện Mayo tại Rochester, Minnesota.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem chỉ số khối cơ thể BMI – một tỉ số giữa trọng lượng cơ thể và chiều cao cơ thể - có thể khẳng định một đứa trẻ là béo phì chính xác đến mức nào. BMI là một phương pháp rất phổ biến trong chẩn đoán béo phì, nhưng nó có những thiếu sót: nó không thể phân biệt giữa khối lượng phần thịt và khối lượng mỡ trong cơ thể. Những trẻ thường được xem là béo phì nếu chỉ số BMI của chúng rơi vào phần trăm thứ 95 ở độ tuổi tuổi của chúng.
Nghiên cứu mới này đã so sánh các đánh giá về BMI với các phương pháp chẩn đoán béo phì khác dựa trên lượng mỡ trong cơ thể, bao gồm các đánh giá về độ dày lớp da và một kĩ thuật chụp X quang DXA (Dual-energy X – ray absorptiometry).
Các kết quả cho thấy, những trẻ có chỉ số BMI cao phần lớn được xem là béo phì dựa trên hàm lượng chất béo của cơ thể chúng. Tuy nhiên trong số những trẻ không được chẩn đoán là béo phì theo chỉ số BMI, thì 25% trong số đó bị béo phì dựa trên hàm lượng chất béo của cơ thể.
Hay nói cách khác, một chẩn đoán béo phì có thể đã thiếu sót ở những trẻ này.
“BMI không xác định được hơn ¼ số trẻ em có tỷ lệ phần trăm chất béo cơ thể dư thừa”, các nhà nghiên cứu đã viết trong một bài báo được công bố trực tuyến ngày 24/6 trên tạp chí Béo phì ở trẻ em (Pediatric Obesity).
Những phát hiện này là đáng lo ngại, vì một thất bại để nhận ra béo phì ở thời thơ ấu có thể chuyển thành “những cơ hội bị bỏ lỡ để thiết lập các biện pháp can thiệp lối sống phù hợp, nhằm giảm thiểu rủi ro về sức khỏe tương lai”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trước đó, cũng nhóm các nhà nghiên cứu nói trên đã xác định cái mà họ đã đặt tên là: “béo phì với trọng lượng cơ thể bình thường” ở người lớn, mà họ đã sử dụng cho những người có chỉ số BMI bình thường nhưng có một hàm lượng chất béo cơ thể cao. Cũng giống như béo phì, béo phì ở trọng lượng bình thường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao và những bệnh tật khác ở người trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, cần phải xem xét những nguy cơ về sức khỏe đối với những trẻ em bị béo phì nhưng không được chẩn đoán do chỉ số BMI bình thường của chúng là gì. Và còn quá sớm để khuyến nghị các bác sĩ thường xuyên đánh giá hàm lượng chất béo trong cơ thể của trẻ em để xác định xem chúng có bị béo phì hay không. Nhưng Lopez-Jimenez đề nghị, ít nhất thì cần phải đo chu vi vòng eo của đứa trẻ để xem nó có là bình thường ở độ tuổi của nó không.