Những đêm mất ngủ dường như giống như một nghi lễ nhập môn của những ông bố bà mẹ mới sinh con đầu lòng.
Tình trạng thiếu ngủ không phải là một thói quen tốt đối với bất cứ ai, đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ. Vậy, điều gì đã ngăn cản một đứa trẻ sơ sinh và bố mẹ chúng khỏi một giấc ngủ ngon suốt đêm?
Hầu hết các bố mẹ ban đầu sẽ không biết gì khi đứa bé bỗng đánh thức cả nhà vào nửa đêm với tiếng khóc của chúng. Có thể do chúng đói, đôi khi lại do quá lạnh hoặc quá nóng hay thỉnh thoảng chúng đơn giản là bỗng dưng muốn chơi đùa hoặc khóc thét. Nhưng cũng giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, luôn có lý do cho thói quen ngủ khá thất thường này của trẻ.
Trong cuộc sống, luôn có lý do cho thói quen ngủ khá thất thường này của trẻ.
Các bà mẹ hẳn đều đã chẳng lạ lẫm gì với những đêm mất ngủ trước khi con họ chào đời. Trong quá trình mang thai, trẻ làm quen với chu kỳ ngày đêm, nghỉ ngơi và thức dậy thông qua người mẹ. Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện trên 274 phụ nữ mang thai cho thấy các thai nhi có nhịp điệu ban ngày của riêng chúng. Hầu hết phụ nữ cho biết các thai nhi cử động từ trung bình đến mạnh vào buổi tối. Sự di chuyển liên tục của người mẹ vào ban ngày được cho là để ru ngủ đứa trẻ, trong khi sự yên lặng tương đối vào ban đêm lại kích thích đứa bé đạp xung quanh và cho thấy sự hiện diện của nó.
Vì thế mà các nhà khoa học đã cho rằng có thể vì lý do này mà họ không thể ghi lại được chuyển động của em bé khi người mẹ hoạt động vào ban ngày. Tuy nhiên, các biện pháp siêu âm hoạt động của thai nhi đã cho thấy cường độ hoạt động của chúng tăng cao vào ban đêm và gần như "ngủ đông" vào sáng hôm sau. Những chu trình như vậy luôn được mong mỏi trong thai kỳ của người mẹ vì nó làm giảm nguy cơ thai chết lưu.
Trẻ sơ sinh ngủ hầu như cả ngày lẫn đêm trong vài tuần đầu sau khi chào đời. Tuy nhiên, những tiếng quấy khóc cứ sau mỗi 2 đến 3 giờ thường khiến bố mẹ chúng lo lắng không biết con mình có ngủ đủ giấc hay không.
Khi mới ra đời, trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển nhịp điệu sinh học hàng ngày. Nhịp sinh học là "đồng hồ sinh học" bên trong cơ thể người có chức năng kiểm soát khi nào chúng ta buồn ngủ bằng cách tiết ra một loại hormone trong cơ thể. Các hormone cortisol và melatonin, cùng với chu kỳ nhiệt độ cơ thể, quyết định khi nào chúng ta nên ngủ và khi nào nên thức dậy. Trong số này, sản sinh melanin là quan trọng nhất, vì nồng độ của nó sẽ quyết định chu kỳ thức/ngủ của con người. Nồng độ melatonin tăng đột biến sẽ kích thích cơn buồn ngủ và vì thế còn được gọi là hormone giấc ngủ.
Trẻ sơ sinh không có nhịp sinh học cố định.
Vì trẻ sơ sinh không có nhịp sinh học cố định, nên chúng ngủ thành từng giấc ngắn trong cả ngày, thay vì ngủ liền một mạch như người lớn.
Trong những năm đầu đời, giấc ngủ phát triển nhanh chóng và là một quá trình cực kỳ phức tạp. Đầu tiên, trẻ sẽ ngủ tổng cộng 16 đến 17 tiếng, chia ra gần như đồng đều cho cả ngày lẫn đêm. Đến 8 tuần tuổi, nhịp điệu cortisol phát triển, việc sản sinh hormone ngủ melatonin vào buổi tối sẽ được ghi nhận sớm nhất là sau 9 tuần. Chu kỳ nhiệt độ cơ thể và các gene sinh học phát triển ở tuần thứ 11, mở đường cho việc hình thành chu kỳ thức-ngủ tiêu chuẩn hơn khi trẻ được 10 đến 12 tuần tuổi. Như vậy, có nghĩa là lúc này trẻ dễ dàng ngủ xuyên đêm hơn, tức là 5 giờ liên tục mà không thức giấc nửa chừng.
Tổng thời lượng ngủ của trẻ sơ sinh thay đổi và giảm xuống còn 14 hoặc 15 giờ khi trẻ được 16 tuần tuổi và khi được 6 tháng sẽ chỉ còn 13 đến 14 giờ. Nhu cầu giấc ngủ ban ngày giảm xuống, độ dài của giấc ngủ đêm "đầy đủ" sẽ tăng lên trong năm đầu tiên, tạo nên sự chuyển đổi sang hình thái ngủ ban đêm nhiều hơn và lúc này bố mẹ cũng có thể tạm cảm thấy được thư giãn hơn chút.
Trẻ sơ sinh không có lịch trình cố định và không có khái niệm về ngày đêm, thứ ảnh hưởng đến hành vi và lối suy nghĩ của những đứa trẻ lớn hơn cũng như người lớn. Trẻ sơ sinh cũng có dạ dày nhỏ, vì thế chúng thường thức dậy nhiều lần để đòi ăn. Chúng thường lay mình hay cử động khoảng 40 phút/lần và thức giấc khoảng 2 đến 3 lần vào ban đêm để đòi ăn trước khi nhịp sinh học ban đêm thật sự được hình thành.
Giống như hầu hết các hoạt động của con người, gene của chúng ta đóng một vai trò then chốt trong việc quyết định mô hình giấc ngủ. Các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong việc cho con mình ngủ xuyên đêm có thể phần nào yên tâm bởi một nghiên cứu đã tiết lộ rằng yếu tố chính quyết định đến thói quen mỗi đêm của trẻ chỉ đơn thuần là sự may rủi của gene di truyền.
Các nhà khoa học Canada đã phân tích giấc ngủ của 955 cặp sinh đôi khác trứng và sinh đôi cùng trứng ở bang Quebec nước này. Họ phát hiện ra rằng các gene chủ yếu quyết định xem trẻ có ngủ suốt đêm hay không. Tuy nhiên, khả năng nghỉ ngơi ban ngày của trẻ lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các yếu tố môi trường.
Yếu tố chính quyết định đến thói quen mỗi đêm của trẻ chỉ đơn thuần là sự may rủi của gene di truyền.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu Canada đã không kiểm tra các gene cụ thể có tương quan đến giấc ngủ trong nghiên cứu. Thay vào đó, họ kiểm tra xem liệu rằng có khả năng các cặp sinh đôi cùng trứng có thói quen ngủ giống nhau cao hơn các cặp sinh đôi khác trứng hay không. Và nhận định này được cho là đúng. Điều này càng cho thấy vai trò của các gene trong việc quyết định hình thái giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
Một nghiên cứu khác đã phân tích về gene AA-NAT, gene này kiểm soát mức độ dao động của melatonin trong cơ thể. Nghiên cứu này xác định rằng một sự thay đổi đơn lẻ từ nucleotit (các "chữ cái" tạo nên DNA của chúng ta) guanine (G) thành cytosine (C) ở vị trí -263 là yếu tố quan trọng quyết định chu kỳ ngủ ngắn. Đột biến này được tìm thấy ở 4/5 người ngủ ngắn, nhưng chỉ có ở 1/5 người ngủ dài.
Các yếu tố môi trường bao gồm sự hiện diện của người mẹ, ánh sáng, nhiệt độ, chia sẻ phòng với ai đó khác, đồ chơi thân thuộc, phương tiện truyền thông, tiếng ồn… Nghiên cứu chỉ ra rằng các hoạt động trước khi đi ngủ như kể chuyện hoặc hát ru có thể khiến cho trẻ ngủ lâu hơn, bên cạnh đó ngủ cùng cha mẹ và sử dụng đồ chơi hoặc chăn (những đồ vật yêu thích của trẻ) có thể làm giảm lo lắng và thúc đẩy giấc ngủ lành mạnh hơn. Ngoài ra, việc sử dụng đèn ngủ hoặc các thiết bị công nghệ trước khi ngủ có thể dẫn đến ngăn chặn việc sản sinh melatonin.
Trẻ sơ sinh có chu kỳ giấc ngủ tương đối ngắn và phần lớn thời gian trong đó là pha REM (giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh). Trên thực tế, giấc ngủ REM lần đầu tiên được nhận biết là ở trẻ sơ sinh! REM là một giấc ngủ nhẹ khi mắt bạn di chuyển qua lại nhanh chóng, đó cũng là khi mà các giấc mơ bắt đầu xuất hiện. Trẻ con và người lớn ngủ ít giờ hơn, nhưng gần như là xuyên suốt cả đêm, không giống như trẻ sơ sinh. Khi bạn càng lớn hơn, thời lượng của giấc ngủ REM càng giảm dần đi, điều này có nghĩa là chúng ta thường mơ nhiều hơn khi còn bé.
Trẻ sơ sinh có chu kỳ giấc ngủ tương đối ngắn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra sự hiện diện của melatonin trong nước bọt trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời và cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của nó trong 6 tháng đầu đến mức cao mức được ghi nhận ở người lớn.
Giấc ngủ chập chờn là bình thường đối với tất cả trẻ sơ sinh và điều này thực sự quan trọng, vì nó có liên quan đến sự phát triển thể chất cũng như nhận thức.
Giấc ngủ của một đứa trẻ có thể chỉ ra các chức năng nhận thức và vận động của trẻ. Các nghiên cứu về nhận thức biểu thị sự chênh lệch về chất lượng và định lượng giấc ngủ giữa các cá nhân là đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngôn ngữ, chức năng điều hành của não và trí nhớ. Các nghiên cứu đo lường mối liên hệ giữa sự phát triển thể chất của một đứa trẻ và giấc ngủ của chúng đã cho thấy rằng những đứa trẻ có giấc ngủ kém hơn sẽ đi kèm với nguy cơ béo phì cao hơn.
Tuy nhiên, những quan sát này cần được xem xét một cách thận trọng. Các nghiên cứu mới chỉ thiết lập mối liên hệ giữa giấc ngủ và cơ thể, nhưng chưa chỉ rõ chính xác giấc ngủ ảnh hưởng đến những thay đổi như thế nào. Hơn nữa, kết quả có được từ những nghiên cứu được thực hiện trên động vật, như chuột không phải lúc nào cũng có thể áp dụng đối với con người.
Một nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu ngủ REM kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức ở chuột, nhưng tình trạng đó lại hiếm khi được ghi nhận ở người.
Các nghiên cứu sâu hơn nên tính toán đến các yếu tố môi trường (như là những đồ đạc liên quan đến giấc ngủ trong gia đình, nền tảng kinh tế xã hội) và các yếu tố thuộc về bố mẹ (như là trầm cảm sau sinh, mức độ hiểu biết) có thể ảnh hưởng đến các kết quả nghiên cứu sau này.
Dù là do gene di truyền hay môi trường xung quanh, thì chắc chắn trẻ sơ sinh vẫn sẽ khiến cho bố mẹ chúng phải tập làm quen với việc phải thức dậy nửa đêm cho đến khi chúng được ít nhất là 1 tuổi. Sau đó, cả đứa trẻ và bố mẹ chúng có thể dần hài lòng với những giấc ngủ ngon hơn.