Trời lạnh, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên

  •  
  • 479

Đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản dễ bị viêm khi thời tiết chuyển lạnh.

Theo CIH, viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là bệnh thường gặp và diễn biến theo mùa, trong đó mùa thu và đông là thời điểm dễ bùng phát nhất. Viêm đường hô hấp trên là tất cả bệnh viêm nhiễm từ cửa mũi trước đến thanh quản, gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Đây là những cơ quan ngoài cùng tiếp xúc trực tiếp với không khí, có chức năng chủ yếu là sàng lọc, sưởi ấm không khí để đưa vào phổi. Do vậy, các bộ phận này rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố từ môi trường xung quanh.

Mặt khác, khi vào mùa lạnh, sức miễn dịch của cơ thể con người thường suy giảm, phản ứng tiết dịch nhiều nên virus và vi khuẩn dễ dàng bám dính qua đường hô hấp trên và gây bệnh.

Trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp trên vì có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.
Viêm đường hô hấp trên là tất cả bệnh viêm nhiễm từ cửa mũi trước đến thanh quản, gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. (Ảnh minh họa: Scholaryanswers).

Trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp trên vì có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Bệnh này không quá nguy hiểm song điều đáng lo là dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ. Triệu chứng phổ biến của viêm đường hô hấp trên là ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, khàn tiếng…

Ngoài ra một số nhóm khác cũng dễ bị viêm đường hô hấp như người già, phụ nữ mang thai, người có sức đề kháng yếu, mới ốm dậy, mắc bệnh nặng như AIDS, suy dinh dưỡng… Mầm bệnh gây viêm đường hô hấp trên có thể lan xuống đường hô hấp dưới nếu bệnh nhân không biết cách phòng tránh và vệ sinh sạch sẽ.

Các bác sĩ khuyên phụ huynh khi con bị viêm đường hô hấp trên sốt cao từ 39 độ trở lên nên dùng ngay thuốc hạ sốt. Cứ 30 đến 60 phút cặp đo nhiệt độ một lần hoặc bất cứ khi nào thấy cơ thể trẻ nóng hơn.

Lưu ý: Không dùng nước đá hoặc nước lạnh để hạ nhiệt cho trẻ, vì nước lạnh quá làm cản trở sự thoát nhiệt của cơ thể khiến trẻ sốt cao hơn, nguy hiểm hơn. Tuyệt đối không để bé sốt cao và kéo dài, không tự ý mua thuốc điều trị theo sự mách bảo của người không có chuyên môn.

Trường hợp bệnh nhi bị chảy mũi quá nhiều, nên dùng thuốc nhỏ hoặc xịt mũi. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để làm sạch, thông mũi trước khi cho bé ăn, bú. Tốt nhất, cha mẹ nên hỏi ý kiến của dược sĩ hay bác sĩ để lựa chọn loại thuốc xịt phù hợp cho trẻ.

Để giữ ấm cổ, giảm ho, giảm chảy dịch mũi, nên quàng khăn giữ ấm cổ cho bé, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối. Nếu bác sĩ chỉ định cho trẻ dùng kháng sinh, nên dùng thêm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp trẻ nhanh phục hồi. Cho trẻ ăn uống bình thường trong thời gian bị bệnh, tăng cường ăn rau xanh, uống nước lọc và nước trái cây, tránh kiêng cữ thái quá.

Cập nhật: 07/11/2017 Theo VnExpress
  • 479