Theo các nhà khoa học Mỹ, chỉ cần trồng tảo trên 6 triệu ha đất hoang hóa ở Mỹ thì nước này đủ nhiên liệu để xài mà không cần nhập dầu mỏ.
Theo đánh giá của một nhà nghiên cứu sinh học ở Trường đại học California, Mỹ, nếu nước này đưa 15 triệu mẫu (1 mẫu = 0,4 héc-ta) đất hoang hóa vào việc nuôi trồng tảo thì có thể sản xuất ra lượng nhiên liệu đủ để không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông.
Một công ty có tên gọi LiveFuels Inc. ở San Francisco, Mỹ đang đầu tư vào khai thác và nuôi trồng tảo và dự tính 3 năm nữa, mỗi năm công ty có thể tái chế hơn 63.000 lít nhiên liệu trên mỗi mẫu diện tích nuôi trồng tảo.
Mỹ hiện đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn nguyên liệu dùng cho việc tái chế nhiên liệu mới thay thế loại nhiên liệu truyền thống là xăng dầu. Rất nhiều nước trên thế giới đã đầu tư và thử nghiệm việc sử dụng gỗ vụn, cỏ khô, ngô hạt, bã mía... để tái chế nhiên liệu sinh học.
Mới đây, việc khai thác, nuôi trồng tảo để tái chế nhiên liệu sinh học đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực này và tảo được coi như là một loại "vàng xanh".
Tảo có ưu thế là có khả năng quang hợp tự nhiên và quá trình này sản sinh ra nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học dồi dào. Ngoài ra, hoạt động địa nhiệt ở vùng sa mạc có khả năng cung cấp miễn phí nguồn khí các-bon đi-ô-xít tạo bọt giúp tảo hấp thụ và chuyển hóa thành chất hữu cơ để tái chế thành nhiên liệu.