Số cổ vật trục vớt từ 10 con tàu đắm, được Sở Văn hóa Thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu và Bảo tàng lịch sử VN giới thiệu theo chuyên đề "Cổ vật từ đáy biển VN". Theo các nhà khoa học, đây là bằng chứng sống ghi nhận những sự kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế các thời đại.
|
Các chuyên gia thẩm định cổ vật từ tàu cổ Hòn Cau. (Ảnh từ triển lãm)
|
Cũng theo các nhà khoa học, bộ sưu tập cổ vật còn là những tác phẩm nghệ thuật về tạo hình, chế tác của con người trong nhiều thế kỷ trước.
Trong đó, có những cổ vật từ tàu cổ Hòn Cau (tọa độ X), cổ vật khai quật tại vùng biển Hòn Bà (Vũng Tàu), bộ gốm sứ đời Ung Chính, Nhà Thanh, Trung Hoa, sưu tập tàu cổ Hòn Châu, Hòn Dầm, Cà Mau, Bình Thuận... Từ các cổ vật, một phần quá khứ của dân tộc Việt Nam hiện về, thể hiện sinh động trình độ văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật trong nghề nghiệp, lối sống thời đại.
Bộ sưu tập cổ vật biển có số lượng hàng chục nghìn hiện vật, đa dạng về loại hình, được sản xuất từ Việt Nam, Trung Hoa, Thái Lan... cho thấy vị trí của ngành hàng hải Việt Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu trên con đường giao lưu hàng hải quốc tế trước thế kỷ XIX.
|
Hiện vật từ đoàn tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15. Ảnh: D.V.
|
Chuyện về khai quật tàu cổ ở các vùng biển Việt Nam rất thú vị. Đơn cử, đầu năm 1997, một ngư dân chuyên nghề lặn vớt phế liệu tìm thấy con tàu chìm cách bờ biển Bãi Dâu 4 hải lý về phía Tây vùng Bãi Dâu, Vũng Tàu. Các thợ lặn đã đưa về 105 cổ vật là đồ gốm sứ, pha lê, thủy tinh, đồ đồng. Bộ sưu tập men sứ trắng hầu hết là đồ nguyên, dưới đáy ngoài một số đĩa ghi ký hiệu De Ploe - Paris chìm, dưới men có khả năng là nơi sản xuất, trên một số tô sứ có in chữ E.Biedermann&Co - Saigon, cho phép nhận định hàng hóa trên tàu do công ty nói trên tại Sài Gòn đặt hàng vào khoảng giữa thế kỷ XIX.
Đặc biệt, bộ sưu tập tàu cổ Cù Lao Chàm được lấy từ cuộc khai quật quy mô và khoa học nhất trong lịch sử với nhiều trang thiết bị tối tân. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia với kinh phí lên tới 6 triệu USD và chính thức khai quật vào giai đoạn 1997-2000 ở vùng biển Hội An, Quảng Nam.
Trên tàu cổ này, hiện bảo tàng lưu giữ được tổng số 240.000 hiện vật như: những sản phẩm lò gốm Chu Đậu, Hải Dương; những đồ dùng của thủy thủ đoàn bằng gốm sứ, đất nung... và nhiều đồng xu có niên đại từ thời Khai Nguyên (Đường), Hồng Vũ (Minh). Lần đầu tiên, trong các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước, di cốt của thủy thủ đoàn cũng đã được phát hiện, bao gồm 11 người, trong đó có 1 sọ phụ nữ khoảng trên 20 tuổi, dân tộc Thái...
Triển lãm cổ vật kéo dài đến hết ngày 16-4, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Thành phố Vũng Tàu.
A.V.