Trung Quốc phát hiện mỏ "vàng trắng" triệu tấn ở tỉnh Tứ Xuyên

  •  
  • 97

Trung Quốc phát hiện gần 1 triệu tấn quặng lithium, kim loại quan trọng trong các loại pin và xe điện, ở Nhã Giang, tỉnh Tứ Xuyên.

 Các công nhân lắp ráp pin lithium ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Các công nhân lắp ráp pin lithium ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: VCG).

Wang Guanghua, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, gọi phát hiện mới ở Nhã Giang là "đột phá lớn", Xinhua hôm 18/1 đưa tin. Đây là nguồn quặng lithium đơn thể dạng pegmatite lớn nhất châu Á, theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên nước này.

Lithium là kim loại kiềm mềm màu trắng bạc, có số hiệu nguyên tử là 3. Kim loại này được biết đến với những tính chất độc đáo như là kim loại nhẹ nhất và rất dễ phản ứng với nước. Được mệnh danh là "vàng trắng" hay "kim loại năng lượng xanh của thế kỷ 21", lithium đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Đây cũng là thành phần trọng yếu giúp sản xuất các phương tiện chạy điện, pin lithium-ion và pin năng lượng mặt trời.

Dự trữ lithium của Trung Quốc được cho là rải rác tại nhiều nơi, trong khi hoạt động thăm dò vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Đến nay, lithium được phát hiện của nước này chủ yếu ở Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương và Giang Tây. Lithium cacbonat, dùng phổ biến trong pin lithium-ion, cũng có thể được chiết xuất từ các hồ nước mặn. Trung Quốc có khoảng 1.500 hồ như vậy, mang lại tiềm năng khám phá thêm nhiều tài nguyên lithium hơn nữa.

Sự phân bổ quặng lithium trên thế giới không đồng đều. Trung Quốc chiếm khoảng 7% các nguồn lithium đã xác định và đứng thứ 6 trên thế giới, sau Bolivia, Argentina, Mỹ, Chile và Australia.

Năm ngoái, Mỹ phát hiện mỏ lithium lớn nhất thế giới ở hõm chảo McDermitt, một miệng núi lửa ở biên giới bang Nevada - Oregon. Miệng núi lửa hình thành cách đây 16 triệu năm này ước tính chứa 20 - 40 triệu tấn lithium, có thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt trên toàn cầu.

Cập nhật: 24/01/2024 VnExpress
  • 97