Trung Quốc tạo ra chỉ huy quân sự AI đầu tiên trên thế giới

  •  
  • 126

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra chỉ huy quân sự AI đầu tiên trên thế giới dựa trên các nhà lãnh đạo quân sự người thật, phản ánh cả điểm mạnh và điểm yếu của họ.

"Chỉ huy ảo" này, được giới hạn nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Tác chiến Liên hợp thuộc Đại học Quốc phòng ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, mô phỏng người chỉ huy thật về mọi mặt, từ kinh nghiệm, lối suy nghĩ đến tính cách, và thậm chí cả những khuyết điểm của họ.

Trong các hoạt động mô phỏng trên máy tính quy mô lớn có sự tham gia của tất cả các nhánh của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), chỉ huy AI đã được trao quyền chỉ huy tối cao chưa từng có, học hỏi và không ngừng phát triển trong các cuộc chiến tranh ảo.

 Lần đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã tạo ra một chỉ huy quân sự AI.
Lần đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã tạo ra một chỉ huy quân sự AI. (Ảnh: Shutterstock)

Chỉ huy AI có thể thay thế người chỉ huy thật khi họ không thể tham gia vào một trận chiến quy mô lớn hoặc thực thi quyền chỉ huy. Trong phạm vi phòng thí nghiệm, nó có thể tự do thực hiện sức mạnh này mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ con người.

Nhóm nghiên cứu cho biết, ban đầu chỉ huy AI có phong cách của một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm và xuất sắc. Tuy nhiên, cài đặt này không được cố định mà tính cách của chỉ huy ảo có thể được điều chỉnh nếu cần thiết để mang phong cách chiến đấu khác nhau như các chỉ huy cấp cao khác nhau của PLA.

Chỉ huy AI dựa nhiều hơn vào kiến thức thực nghiệm để đưa ra quyết định chiến đấu, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, truy xuất các tình huống tương tự từ bộ nhớ và nhanh chóng xây dựng một kế hoạch khả thi.

Bộ chỉ huy AI xác định các mối đe dọa mới, lập kế hoạch và đưa ra quyết định tối ưu dựa trên tình hình chung khi các trận chiến bế tắc hoặc kết quả không đạt được. Nó cũng học hỏi và thích nghi từ những chiến thắng và thất bại. Tất cả đều không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Chỉ huy AI "có những ưu điểm bao gồm dễ thực hiện, hiệu quả cao và hỗ trợ thử nghiệm lặp lại".

Dự án nghiên cứu đột phá này được công bố hồi tháng 5 trên tạp chí Common Control & Simulator bằng tiếng Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu do kỹ sư cao cấp Jia Chenxing dẫn đầu cho biết công nghệ AI có cả tiềm năng lẫn rủi ro trong các ứng dụng quân sự. Tuy nhiên, dự án đã đưa ra một giải pháp "khả thi" cho vấn đề hóc búa này.

Ở Trung Quốc, chỉ có Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có quyền huy động PLA. Quyền chỉ huy ở sở chỉ huy vẫn nằm trong tay con người, mặc dù công nghệ AI có khả năng đưa ra quyết định độc lập; các đơn vị như máy bay không người lái và chó robot được cấp nhiều quyền tự do di chuyển và khai hỏa.

Nhiệm vụ thiết yếu của các nhà khoa học là thử nghiệm các kế hoạch này trong các mô phỏng để "cân nhắc cái tốt và cái xấu và hiểu rõ hơn về sự hỗn loạn của trận chiến", Jia và các đồng nghiệp của ông viết.

Mô phỏng quân sự cấp chiến dịch thường yêu cầu sự tham gia của người chỉ huy để đưa ra quyết định tại chỗ nhằm ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Tuy nhiên, số lượng chỉ huy cấp cao của PLA và khả năng sẵn sàng của họ rất hạn chế.

Cập nhật: 20/06/2024 Báo Công luận
  • 126