Trung Quốc lần đầu thử nghiệm thành công tàu siêu tốc chở khách có thể bay trong đường ống chân không với tốc độ 1.000 km/h.
China Space News cho hay vào tuần trước, nguyên mẫu tàu siêu tốc hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng điện từ (hyperloop) đã thực hiện ba lần chạy thử nghiệm tại một đường ống thử nghiệm đệm từ siêu dẫn ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Kết quả cả ba lần tàu siêu tốc này đều hoạt động bình thường với tốc độ hơn 50km/h trên tuyến đường thử nghiệm.
Cuộc thử nghiệm còn kiểm chứng một số công nghệ quan trọng khác, đồng thời xác minh độ vận hành chính xác của hệ thống tàu siêu tốc này. Hiện tại, đường ống chân không dùng để thử nghiệm chỉ dài 2 km và dự kiến sẽ được mở rộng đến 60km trong thời gian tới.
Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia châu Á thử nghiệm thành công tàu siêu tốc công nghệ hyperloop.
Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ liệu đã hút sạch không khí ra khỏi ống trong quá trình thử nghiệm hay chưa. Duy trì môi trường áp suất thấp trong ống là một trong những thách thức lớn nhất trong việc phát triển công nghệ hyperloop.
Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu đệm từ chỉ sau khoảng 9 tháng triển khai. (Ảnh: CASIC).
Thực tế, ý tưởng về công nghệ hyperloop không mới khi đã được nhen nhóm từ năm 2012 bởi tỉ phú công nghệ Mỹ Elon Musk. Thời điểm đó, nhà sáng lập SpaceX đã phát triển The Boring Company để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Sau đó, tỉ phú Richard Branson, nhà sáng lập của Virgin Galactic, cũng đã thành lập một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ hyperloop mang tên Hyperloop One (sau này đổi tên thành Virgin Hyperloop). Công ty đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới có chở theo hành khách trong khoang, đạt tốc độ 172 km/h vào năm 2020.
Nhóm nghiên cứu thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) hy vọng khi hoàn thiện tàu có thể chở hành khách và hàng hóa với tốc độ 1.000km/h. Tốc độ này "như bay trên mặt đất" khi đạt vận tốc ngang ngửa với máy bay.
Tàu cao tốc nhanh nhất hiện hoạt động với tốc độ 350km/h. Tăng tốc độ của chúng sẽ làm tăng đáng kể sự hao mòn đường ray và tiêu thụ năng lượng do sức cản của không khí.
Các nhà khoa học CASIC cho biết công nghệ đệm từ của ở Đại Đồng sẽ giúp loại bỏ ma sát làm mòn đường ray, trong khi ống chân không làm giảm sức cản của không khí.
Công nghệ tàu đệm từ của Trung Quốc xuất hiện muộn hơn nhiều khi CASIC chỉ mới triển khai xây dựng cơ sở thử nghiệm Đại Đồng vào tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, cũng chỉ chưa đầy một năm sau nhóm đã hoàn thành những cuộc thử nghiệm đầu tiên.
"Đó thực sự là một kỳ tích" - China Space News đánh giá và khẳng định sở dĩ dự án sớm cho kết quả nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc.