Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra một chiến dịch nhằm chống lại tình trạng “ nghiện” Internet trong giới trẻ Trung Quốc. Chiến dịch có quy mô không nhỏ này nhằm mục đích đưa ra các biện pháp cần được áp dụng và các mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới.
Theo China Daily, hiện tượng “ nghiện” Internet như hiện nay của thanh niên Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mang tính xã hội , thậm chí nó còn có thể đe dọa tới tương lai của quốc gia. Bản báo cáo của Ủy ban Trung ương Thanh niên Trung Quốc công bố tháng 12 vừa qua cũng đã tỏ ra khá lo lắng trước tình trạng 14% trẻ vị thành niên Trung Quốc bị nghiện Internet, và coi đây là một vấn nạn lớn về xã hội.
Bên cạnh việc nhấn mạnh hiện tượng gia tăng số lượng người sử dụng Internet (với 123 triệu người sử dụng), Trung Quốc trở thành nước có cộng động cư dân mạng lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Cũng theo bản báo cáo, 15% số người sử dụng Internet có độ tuổi dưới 18. Và cứ 18,3 triệu thanh thiếu niên sử dụng Internet lại có 2 triệu em bị mắc “ chứng bệnh” luôn sống trong “ thế giới ảo”.
Tờ Washington Post cho biết trong chiến dịch chống “ căn bệnh” nguy hiểm này, Chính phủ Trung Quốc đã cho xây dựng 8 trung tâm “ cai nghiện” trên cả nước và biểu dương một số tỉnh của Trung Quốc đã thành công trong việc chống ma túy và ruợu một cách hiệu quả. Thành công là đáng ghi nhận, tuy nhiên nó vẫn bị chỉ trích do các biện pháp áp dụng đôi khi còn thô bạo.
|
Một tiệm Cafe Internet ở Trung Quốc. Nguồn: digitalbattle.com |
Tờ nhật báo Mỹ cũng cho biết thêm, hiện nay Trung Quốc đang tập trung cho “cuộc chiến” chống lại căn bệnh ảo giác mà theo các phương tiện thông tin đại chúng đó là nguồn gốc của những vụ giết người, các vụ tự sát hàng loạt, việc học hành sa sút nguyên nhân cũng chỉ vì không “ thoát” ra được các cuộc chiến trong thế giới ảo.
Nếu như một số các nước khác, như Hàn Quốc, Thái Lan hay Việt Nam đã áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế thời gian truy cập mạng ở các điểm truy cập công cộng, thì Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Chính phủ nước này đã đưa ra một chương trình với quy mô lớn nhằm hạn chế việc truy cập Internet, kiểm duyệt một số trang web, và ngăn chặn những thông tin phản động trên mạng. Một số công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng, trong đó có Google, cũng bị bắt buộc phải tuân theo những quy định mà nước này đã đưa ra.
Một số nhà báo của Washinton Post đã tới thăm trung tâm “cai nghiện” lớn và cũng được xây dựng lâu nhất ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh cho biết trung bình mỗi ngày, trung tâm phải chăm sóc khoảng 60 bệnh nhân, có những thời kì con số này đã lên tới mức đỉnh là 280 người.
Rất ít các bệnh nhân từ 12- 24 tuổi đến trung tâm một cách tự nguyện, phần lớn họ đều bị gia đình bắt ép tuy rằng số tiền chữa trị không hề nhỏ - 1300 USD mỗi tháng (tương đương 10 lần mức lương trung bình hàng tháng ở Trung Quốc). Được xây dựng trên nền một cơ sở huấn luyện quân đội, trung tâm dễ dàng được nhận ra bởi những chấn song sắt, mỗi ô cửa lại được khóa kĩ, cửa sổ cũng phải làm chấn song cẩn thận.
Trò chuyện với China Daily, ông Tao Ran, giám đốc cũng là người sáng lập ra trung tâm, khẳng định trong số 400 bệnh nhân rời khỏi trung tâm có 80% các em đã khỏi bệnh hoàn toàn. Theo tờ Washinton Post, Tao Ran là người nghiên cứu về quân đội và là người cũng đã có kinh nghiêm lâu năm trong việc chữa trị cho người nghiện ma túy. Để điều trị cho các bệnh nhân đặc biệt này ông đã phải phối hợp rất nhiều phương pháp: khuyên răn, áp dụng kỷ luật quân đội, sử dụng dược phẩm, thôi miên, thậm chí là sốc điện nhẹ.
Tuy còn nhiều điều tranh cãi quanh việc áp dụng các biện pháp này, nhưng theo như đánh giá của ông Guo Tiejun, nhà tâm lý học thuộc trung tâm nghiên cứu về sự phụ thuộc vào Internet tại Thượng Hải, việc trung tâm này được điều hành theo kỉ luật quân đội khác xa với việc chữa trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy hay nghiện rượu. Theo ông, vấn đề thực sự mà các bệnh nhân trẻ tuổi gặp phải đó là sự đơn độc. Ông đặc biệt lên án việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, an thần, thuốc uống, thuốc tiêm. Vì theo ông những thứ đó chỉ có thể làm biến mất những triệu chứng bên ngoài nhưng không thể giải quyết được căn nguyên của căn bệnh.
Minh Ngọc