Trường thành phiên "bản gốc" ít người biết của Trung Quốc

  •  
  • 1.077

Trường thành Giang Nam sở hữu kiến trúc được coi là hình mẫu của Vạn Lý Trường Thành và các công trình tương tự.


Ở phương Bắc có Vạn Lý Trường Thành danh tiếng lẫy lừng nhưng ít người biết rằng ở thành phố lịch sử Lâm Hải (Thai Châu, Chiết Giang) cũng có một công trình tương tự, được gọi là "Trường Thành Giang Nam". Bởi nằm ở phía nam, trường thành được bao quanh bởi cây cối xanh tốt, do đó càng tôn lên vẻ tráng lệ.


Trường Thành Giang Nam còn gọi là Tường thành phủ Thai Châu hay Giang Nam Bát Đạt Lĩnh
, được xây dựng từ thời Đông Tấn, cách ngày nay hơn 1.600 năm và trải qua nhiều lần tôn tạo. Tổng chiều dài thành là 6.280 mét, nhưng đến ngày nay chỉ còn lại 4.730 mét. Công trình bắt đầu từ Lãm Thắng Môn ở phía đông, xuôi theo triền núi Bắc Cố, uốn lượn quanh co đến lầu Yên Hà, qua những vách đá dựng đứng ở bờ đông của sông Linh Giang, kéo đến phía Tây núi Cân Sơn. Cả tòa thành đồ sộ như một con rồng uốn lượn trên đỉnh núi.


Nơi đây từng được nhà nghiên cứu kiến trúc cổ đại Luo Zhewen, ca ngợi là hình mẫu của Vạn Lý trường thành phương Bắc và các trường thành khác tại Trung Quốc.


Vào tháng 6/2011, Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Chiết Giang đã tiến hành khảo cổ tường thành. Kết quả chỉ ra rằng tường thành được mở rộng dưới thời nhà Đường và xây dựng lại dưới triều đại nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh.


Mùa đông, những trận tuyết ở Lâm Hải đã tạo nên phong cảnh hiếm thấy ở Trường Thành Giang Nam.


Làn tuyết trắng hòa với sắc xanh của rừng cây tạo nên bức tranh mùa đông diễm lệ.


Tháng 6/2011, trường thành Giang Nam được Quốc Vụ Viện công bố là di tích văn hóa trọng điểm quốc gia. Tháng 11/2012, những bức tường thành trong đó có trường thành Giang Nam được đưa vào trong danh sách sơ bộ Di sản văn hóa thế giới tại Trung Quốc.

Cập nhật: 03/03/2021 Theo VnExpress
  • 1.077