Từ bột rau câu, nữ sinh tạo túi “nilon” có thể tan trong nước

  •   54
  • 2.409

Túi đựng được làm từ những nguyên liệu "ăn được", sau khi sử dụng có thể tự phân hủy nên hoàn toàn thân thiện với môi trường và an toàn với sức khỏe người dùng.

 Chế từ bột rau câu Agar và bột gelatin

Đây là sản phẩm "độc - lạ" của hai nữ sinh Nguyễn Cao Hoài Thanh và Lê Bùi Hương Như, học sinh lớp 12B1 Trường THPT Tam Giang, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Túi đựng tự hủy của hai bạn được làm từ 100% tự nhiên, có thể dùng chứa đựng các loại thực phẩm an toàn và có thể thay thế cho túi nilong thông thường hiện nay.

Nguyễn Cao Hoài Thanh chia sẻ, túi nilon tiện lợi là vật dụng vô cùng phổ biến trong cuộc sống nhưng càng tiện lợi bao nhiêu thì mối hiểm họa của nó đối với sức khỏe của con người và môi trường càng cao. Việc sử dụng túi nilon đã đi sâu vào nếp sống của người dân thành thị cũng như nông thôn vì quá tiện lợi, với giá thành cực kì rẻ nếu không muốn nói là miễn phí. Hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường do túi nilon gây ra đã đến mức “báo động”.

Quy trình làm túi đựng tự hủy từ bột rau câu và gelatin.
Quy trình làm túi đựng tự hủy từ bột rau câu và gelatin.

Thanh cho biết, hiện trên thị trường đã có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon, như: túi giấy, túi vải, túi làm từ bột ngô, túi làm từ bột sắn và nhựa sinh học, túi làm từ vỏ khoai tây và nhựa sinh học… Tuy nhiên, mỗi loại túi trên đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định và giá thành khá cao.

“Điều này đã thôi thúc chúng em bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo ra một loại sản phẩm túi đựng tự hủy mới từ bột rau câu thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, Thanh nói.

Để tạo ra loại túi đựng này, hai bạn đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm và tìm ra được công thức tối ưu để kết hợp 2 loại nguyên liệu chính là: bột rau câu Agar và bột gelatin. Bột rau câu có nguồn gốc từ thực vật dùng để chế biến thực phẩm, còn gelatin chiết xuất từ collagen có trong xương, da của động vật như da lợn hoặc trong collagen của thực vật như tảo đỏ, trái cây… Gelatin được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.

Hương Như cho hay, hai nguyên liệu này được phối trộn theo tỷ lệ là 5 gram bột rau câu và 10 gram bột gelatin cho 400 ml nước. Theo đó, cho bột rau câu và bột gelatin vào nước theo tỷ lệ, khuấy đều và đun sôi hỗn hợp này. Sau đó, làm giảm nhiệt độ hỗn hợp xuống còn khoảng 50oC và tiến hành quét hỗn hợp lên bề mặt khuôn làm túi. Sau 24 giờ, lớp hỗn hợp khô thì gỡ ra dùng nước Agar dán 2 lớp lại với nhau để tạo thành túi.

Túi dùng để đựng và bảo quản trái cây trong điều kiện bình thường.
Túi dùng để đựng và bảo quản trái cây trong điều kiện bình thường.

Có thể tái sử dụng làm phân bón, keo dán 

Túi đựng tự hủy làm từ bột rau câu được thử nghiệm trong nhiều điều kiện khác nhau, và cho kết quả tốt. Trong điều kiện nhiệt độ thấp từ 0°C đến -10°C trong ngăn đông của tủ lạnh, 1,7 đến 5°C trong ngăn mát của tủ lạnh, cho đến nhiệt độ thường trong nhà, túi đựng thực phẩm dạng khô và bảo quản trong thời gian 1 tuần vẫn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, túi có thể tái sử dụng bằng cách cho vào nước làm túi mềm ra rồi dùng làm phân bón cho cây hoặc làm keo dán giấy. Khi đốt, túi cháy thành tro không có mùi, không độc hại.

Túi đựng và bao gói thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh.
Túi đựng và bao gói thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, giáo viên hướng dẫn hai bạn thực hiện đề tài, cho biết thêm, loại túi này dễ dàng sản xuất từ các nguyên liệu 100% hữu cơ, nhanh phân hủy nên thân thiện với môi trường. Đồng thời giá cả cũng rất khá hợp lý, chỉ bằng 3 lần giá túi ni lông thông thường.

Tuy nhiên, loại túi này vẫn còn một số hạn chế, như chỉ phù hợp dùng để đựng những thực phẩm dạng khô, khả năng chống chịu với nước kém, tính thẩm mĩ chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng. Hai bạn cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để tăng độ dẻo dai, cải thiện khả năng chống thấm nước cũng như giảm giá thành cho sản phẩm.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Thừa Thiên Huế, đánh giá đề tài của hai bạn có tính sáng tạo, khả năng áp dụng rất cao.

"Ý tưởng này là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu “ô nhiễm trắng” đang báo động hiện nay", GS Trần Hữu Dàng nhấn mạnh đồng thời mong muốn có sự quan tâm tiếp sức từ nhiều phía của xã hội để sản phẩm hoàn thiện hơn và sớm đi vào cuộc sống.  

Cập nhật: 10/08/2019 Theo khampha
  • 54
  • 2.409