Các hoạt động chuẩn bị chính cho dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ được giới thiệu tại triển lãm quốc tế, diễn ra ở Cung văn hóa Hữu Nghị từ 14 đến 17/5.
|
Xã Phước Dinh, nơi dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN. (Ảnh do Ban chuẩn bị đầu tư dự án cung cấp) |
Đây là triển lãm quốc tế lần 3 về lĩnh vực này tại Hà Nội, sau lần 1 (năm 2004) giới thiệu sâu về các công nghệ điện hạt nhân và lần 2 (năm 2006) tập trung vào lĩnh vực kinh tế và an toàn.
Ngoài gian trưng bày của Việt Nam về các kết quả nghiên cứu và chuẩn bị cho dự án cụ thể của nước ta, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Pháp sẽ giới thiệu năng lực của họ trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành... nhà máy điện hạt nhân, là cơ sở cho sự lựa chọn đối tác của Việt Nam sau này.
Trước nguy cơ thiếu điện và giá than, dầu tăng chóng mặt như hiện nay, Chính phủ mới đây đồng ý đẩy nhanh tiến độ và tăng gấp đôi quy mô dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, từ 2.000 lên 4.000 MW. Dự kiến sẽ có 2 nhà máy tại hai địa điểm ở tỉnh Ninh Thuận là xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải). Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất mỗi tổ là 1.000 MW.
Tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn chưa chính thức chọn công nghệ nào cho nhà máy, bởi theo lời một chuyên gia trong ngành, riêng với điện hạt nhân,
"việc lựa chọn một công nghệ đồng nghĩa với việc chọn một đối tác, và không khác gì chọn bạn đời trăm năm, bởi họ sẽ đi cùng chúng ta trong hàng thế kỷ". "Việt Nam là 1 trong 30 nước đang đề nghị Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giúp đỡ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Và theo đánh giá của IAEA, chúng ta đã tiến hành các khâu chuẩn bị khá bài bản", PGS Vương Hữu Tấn nói.
PGS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết, về nguyên tắc chúng ta sẽ chọn loại công nghệ của châu Âu, hiện đại, nhưng đã phải qua kiểm chứng. Do đó, Việt Nam sẽ chưa thể ứng dụng ngay những công nghệ mới nhất trên thế giới, bởi chúng còn chưa qua thử thách.
Cũng có ý kiến lo ngại về ý thức của nhân lực Việt Nam chưa cao, sẽ gây mất an toàn trong quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ông Tấn cho biết chính vì lo ngại này, mà Việt Nam chủ trương một vài nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được thực hiện theo diện chìa khóa trao tay, và đối tác nước ngoài sẽ hỗ trợ ta cả về mặt xây dựng lẫn quản lý.
Triển lãm lần này do Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Công thương phối hợp tổ chức.