Tục cúng kẹo cho ông Công ông Táo ở Trung Quốc

  •  
  • 825

Vào 23 tháng Chạp, người Trung Quốc sẽ cúng Táo quân kẹo làm từ hạt kê và lúa mạch để thần bếp nói ngọt với Ngọc Hoàng về gia chủ.

Người Trung Quốc bắt đầu phong tục tiễn ông Công ông Táo về trời từ thời Khổng Tử (năm 551 đến năm 479 trước công nguyên). Ông Táo trong tín ngưỡng Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà.

Trong lịch sử Trung Quốc, từ thời Tiên Tần đến thời Minh Thanh, việc cúng tế thần Táo quân được coi là một lễ tế quan trọng của triều đình phong kiến. Các thư tịch cổ của Trung Quốc có nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân.

Theo truyền thuyết, hàng năm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, Táo quân lên thiên đình báo cáo với ngọc hoàng về gia chủ trong 1 năm đã qua. Dựa trên báo cáo này, ngọc hoàng sẽ kéo dài hoặc rút ngắn cuộc sống của gia chủ.

Cũng có tích ở Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng thần bếp lên trời một lần vào ngày cuối tháng âm lịch để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình, nhưng sau này Táo quân chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp.

"23 cúng kẹo, 24 dọn nhà, 25 nghiền đậu...", là bài vè vang lên vào mỗi dịp cuối năm ở Trung Quốc, với ý nghĩa "tiểu niên" (năm mới nhỏ) sắp đến, theo Xinhua.

Tranh dân gian Trung Quốc tả cảnh em bé với lên bàn thờ ông Táo lấy kẹo.
Tranh dân gian Trung Quốc tả cảnh em bé với lên bàn thờ ông Táo lấy kẹo. (Ảnh: Sina).

"Tiểu niên" còn gọi là ngày tạ ơn thần bếp, ngày lau chùi bếp, Tết Táo Vương... Theo phong tục dân gian Trung Quốc, Táo quân là người giám sát mọi động tĩnh trong một gia đình cả năm và sẽ bẩm tấu lên Ngọc Hoàng vào lễ "tiểu niên" là ngày 23 tháng Chạp, để Ngọc Hoàng ban thưởng hoặc định tội cho gia đình đó. Vì vậy, vào ngày này, gia chủ phải lau chùi nhà bếp sạch sẽ và cúng kẹo Táo quân.

Người Trung Quốc tin rằng vì kẹo rất dính nên có tác dụng "dính miệng" Táo quân lại, không để ông bẩm điều xấu lên Ngọc Hoàng. Ở một số vùng phía nam Trung Quốc, người dân lại cho rằng cúng kẹo để ông Táo ăn vào sẽ có tâm trạng vui vẻ, "nói ngọt" và chỉ bẩm tấu điều hay lên Ngọc Hoàng.

Cúng xong, gia chủ sẽ lấy tượng Táo quân xuống mang đi đốt để "tiễn ông lên trời" cho đến tận Giao thừa, mới đón ông về nhà mừng năm mới. Vào ngày 30 tháng Chạp, họ sẽ làm lễ "đón Táo".

Người dân thôn Ninh Hải, Chiết Giang, cúng kẹo Táo quân trong lễ "tiểu niên".
Người dân thôn Ninh Hải, Chiết Giang, cúng kẹo Táo quân trong lễ "tiểu niên". (Ảnh: China News).

Ông Triệu Hưng Lực, một người Bắc Kinh gốc, cho hay theo truyền thống, vào ngày này các gia đình Trung Quốc sẽ đi mua thịt, nước tương... về chuẩn bị ăn Tết, sau đó dọn dẹp nhà cửa và cuối cùng là cúng kẹo ông Táo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa Trung Quốc, những phong tục đón Tết của người dân nước này ngày một đơn giản do sự phát triển của xã hội.

Các loại kẹo dùng để cúng ông Táo rất phong phú, làm từ mạch nha, kê, lúa mạch, hạt bí.
Các loại kẹo dùng để cúng ông Táo rất phong phú, làm từ mạch nha, kê, lúa mạch, hạt bí. (Ảnh: Sina).

"Cùng với sự phát triển của thời đại, sự tiến bộ của xã hội, bếp lò ngày một vắng mặt trong các gia đình Trung Quốc, nghi thức lau chùi bếp lò vì thế cũng dần mai một. Ngày nay, nhiều người chỉ cúng kẹo tượng trưng, dán chữ đỏ lên nhà, thế là xong việc cúng bái, dọn dẹp nhà cửa ngày Tết", ông Do Quốc Khánh, chuyên gia văn hóa dân gian Trung Quốc ở thành phố Thiên Tân, nhận xét.

Cập nhật: 28/01/2021 Theo VNE/laodong
  • 825