Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro sẽ không còn là vĩnh cửu

  •  
  • 934

Khí hậu Trái đất nóng dần lên, nạn phá rừng, lượng mưa quá thấp đang là những nguyên nhân khiến lớp tuyết vĩnh cửu trên đỉnh núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro đang tan chảy dần, nhận định của các nhà khoa học tại hội nghị quốc tế về khí hậu diễn ra tại Nairobi, Kenya.

Trong hai năm gần đây, Faustin Meela, một người Tanzania sống dưới chân núi Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất châu Phi với 5.895 mét, đã không tin vào mắt mình: lớp băng tuyết vĩnh cửu của khu vực Gredner trên đỉnh Kilimanjaro, nơi ông từng đạt chân đến vào sáu năm trước, đã biến mất.

Theo các nhà khoa học, điều tồi tệ có thể đang đến bởi một ít băng tuyết còn lại trên đỉnh Kilimajaro, cũng như trên núi Kenya và những dãy núi Ruwnzonri (nằm giữa CHDC Congo và Uganda) có thể sẽ biến mất từ nay đến 20 hay 50 năm tới.

Các nhà khoa học khẳng định sự mất mát các kho tàng thiên nhiên này có thể do sự tác động phần lớn từ con người, hay chính xác hơn là từ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khí đốt, dầu hỏa, than) cùng những tác động vào sức nóng của mặt trời trong khí quyển khiến khí hậu Trái Đất ngày càng nóng dần lên. Tuy nhiên, giới khoa học nhìn nhận họ đang thiếu nhiều thông tin về vấn đề này, đặc biệt ít được các trung tâm khí tượng địa phương cung cấp những thông tin liên quan để có thể đưa ra những lý giải chuẩn xác hoàn toàn về hiện tượng lớp băng tuyết vĩnh cửu trên các đỉnh núi ở châu Phi đang tan chảy.

Theo nhà nghiên cứu băng tuyết Ellen Mosley-Thompson, thuộc trường đại học ở Ohio (Mỹ), khí hậu nóng dần lên chưa hẳn là nguyên nhân duy nhất. Trong khi đó, Stefan Hastenrath, giáo sư thuộc trường đại học ở Wisconsin và là chuyên viên nghiên cứu băng tuyết ở châu Phi cho biết lớp tuyết ở lục địa đen đã bắt đầu tan chảy từ những năm 1880, buổi đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp.


Tuyết vĩnh cửu trên đỉnh Kilimanjaro đang thu hẹp dần (Ảnh: TTO)

Theo ghi nhận của giáo sư Hastenrath, từ hơn một thế kỷ nay, khí hậu tại Đông Phi đang ngày càng khô khi mực nước các sông hồ trong khu vực giảm mạnh và lượng gió từ phía tây tăng lên rõ rệt. Giáo sư cho rằng con người không có tác động nào đối với hiện tượng này.

Theo nhiều nhà khoa học khác, sự biến mất của lớp tuyết vĩnh cửu ở châu Phi có thể xuất phát từ nạn phá rừng hay tình trạng mưa nắng thất thường. Trong đó, cây cối bị đốn hạ khiến độ ẩm không khí bị sụt giảm kéo theo tình trạng lớp mây và sương mù giảm theo và khiến những cơn gió khô hanh và ánh nắng mặt trời tha hồ tác động đến lớp băng tuyết trên các đỉnh núi.

Nhưng dù với lý do nào, nhà nghiên cứu Mosley-Thompson cảnh báo điều đáng buồn nhất hẳn sắp diễn ra đối với con người khi lớp băng tuyết vĩnh cửu duy nhất còn lại trên đỉnh Kilimanjaro sẽ nằm trong các... tủ đông nghiên cứu của trường đại học ở Ohio!

ĐỨC TRƯỜNG 

Theo AFP, Tuổi trẻ
  • 934