Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) vừa công bố báo cáo về tình trạng nước sinh hoạt toàn cầu và kêu gọi các nước đẩy mạnh đầu tư nhằm cung cấp nước sạch cho người dân.
Theo báo cáo của UNDP, hiện có 2,4 tỷ người trên thế giới không được dùng nước sạch. Các căn bệnh liên quan đến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, trong đó có bệnh tả, làm nhiều người tử vong hơn cả số người chết vì HIV/AIDS và sốt rét. Nghiêm trọng hơn, số trẻ em chết do thiếu nước sạch cao gấp năm lần số trẻ em chết vì căn bệnh AIDS.
Tình trạng thiếu nước xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới (Ảnh: watergovernance) |
Theo Kevin Watkins, tác giả bản báo cáo, thế giới cần tính đến các biện pháp lớn hơn nhằm đối phó tình trạng thiếu nước sạch toàn cầu. Tại nhiều thành phố lớn của châu Âu, việc quan tâm, xử lý và cung cấp nước sạch đã được thực hiện từ 100 năm trước. Tuy nhiên, các loại bệnh như bệnh tả (do nước bẩn) vẫn đang tấn công cả các nước giàu và nước nghèo.
Ông Watkins gọi tình trạng hiện nay là “chủ nghĩa phân biệt về nước” với việc các nước giàu ít bị tác động hơn bởi nguồn nước sinh hoạt.
Trong khi đó, tại các nước nghèo nhất thế giới, người dân vẫn phải trả tiền để mua nước sạch từ các nhà cung cấp tư nhân. Giá nước ở Nairobi, Kenya, đắt hơn nhiều so với ở Luân Đôn hay New York. Những người nghèo ở Mỹ Latin cũng phải dành hơn 10% thu nhập gia đình cho nước sinh hoạt.
Báo cáo của UNDP không cho rằng nước sẽ là mối đe doạ an ninh lớn, có nguy cơ xảy ra “chiến tranh nước” như nhiều người dự đoán.
Tuy nhiên, UNDP cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng nếu thiếu một chiến lược lớn trong việc sử dụng nước, nhất là khi các tác động của thay đổi khí hậu toàn cầu làm giảm khả năng canh tác của các chính các nước nghèo nhất thế giới.