UNESCO thúc đẩy đường lối khoa học công nghệ mới

  •  
  • 281

Ngày 28/6, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, cơ quan này đang định hình và thúc đẩy đường lối khoa học công nghệ toàn cầu mới vì tương lai nhân loại mong muốn, theo định hướng của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20).

UNESCO nhấn mạnh, để đạt được phát triển bền vững, Rio+20 đã khẳng định vai trò không thể thay thế của cộng đồng khoa học công nghệ, tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các nước phát triển và đang phát triển, nhu cầu tăng cường giao diện chính sách khoa học, nhu cầu tăng cường khả năng khoa học công nghệ của mỗi nước cũng như nhu cầu tăng cường phối hợp nghiên cứu quốc tế về phát triển bền vững.

UNESCO đóng vai trò duy trì và thúc đẩy các quá trình này hướng tới tương lai bền vững với quá trình tư vấn rộng rãi tới tất cả các khu vực địa lý của hành tinh, liên quan đến vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển bền vững.

UNESCO nêu rõ sau Rio+20, cộng đồng quốc tế cần một đường lối khoa học công nghệ toàn cầu mới hòa nhập các chính sách và các giải pháp quốc tế, phối hợp những nhân tố kinh tế, xã hội và môi trường trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu cũng như hệ thống tri thức địa phương.

Tại Diễn đàn về khoa học công nghệ và đổi mới vì phát triển bền vững vào tháng Bảy tới tại Rio de Janeiro, Brazil, các nhà khoa học hàng đầu thế giới và các nhà hoạch định chính sách sẽ đề xuất những định hướng giúp thiết lập các chương trình nghị sự chính sách, nghiên cứu, công nghệ.

Liên minh các đối tác từ giới khoa học quốc tế, các cơ quan tài trợ khoa học và Liên hợp quốc sẽ phát động sáng kiến 10 năm mới về nghiên cứu biến đổi môi trường toàn cầu vì sự bền vững. Sáng kiến này sẽ phối hợp nghiên cứu khoa học toàn cầu, được thiết kế và thúc đẩy trong đối tác với các chính phủ, giới kinh doanh và xã hội.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu UNESCO lập Ủy ban tư vấn khoa học quốc tế gồm các chuyên gia hàng đầu quốc tế về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học công trình, đại diện cho các nguồn tri thức đa dạng và các khu vực khác nhau của thế giới.

Thông qua cơ chế này, Liên hợp quốc và các cơ quan Liên hợp quốc được cung cấp những tư vấn toàn diện về tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới vì phát triển bền vững, các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan Liên hợp quốc và cộng đồng khoa học quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác về các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ.

Theo Vietnam+
  • 281