Ứng dụng thành công công nghệ súc rửa phổi

  •  
  • 2.304

Bác sĩ Trần Quang Lương, Phó giám đốc Trung tâm y tế lao động (Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam) cho biết: Trung tâm là đơn vị đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ súc rửa phổi bụi silic cho công nhân mắc bệnh nghề nghiệp.

Năm 2004, biết Trung Quốc áp dụng thành công công nghệ súc rửa phổi bụi silic, nhóm các bác sĩ trẻ của Trung tâm sang học tập và đưa kinh nghiệm về Việt Nam chữa bệnh cho thợ mỏ. Quy trình rửa phổi không cần nhiều máy móc mà chủ yếu là con người (mỗi ca súc rửa có 6 người).

(Ảnh:  LĐ)
Sau khi gây mê, bác sĩ đặt vào phổi bệnh nhân một ống nội khí quản, sau đó cô lập từng phổi để súc rửa. Bác sĩ dùng một lọ đựng nước nối với dây hình chữ I, cho nước muối sinh lý qua dây này vào phổi để rửa rồi lấy ra, nếu lượng nước không ra hết một lần sẽ được can thiệp bằng bóp bóng. Trung bình mỗi lần rửa dùng từ 6 - 12 lít nước, tùy vào lượng bụi có trong phổi, người bệnh sẽ phục hồi 80 - 90% sức khỏe.

Qua hơn 2 năm, Trung tâm đã súc rửa phổi miễn phí cho 550 bệnh nhân ngành than và không hề có tai biến nào xảy ra. Mới đây nhất, ngày 7.2.2007, Trung tâm đã súc rửa phổi miễn phí cho một bệnh nhân ngoài ngành đầu tiên. đó là anh Phạm Ngọc Hiệp, làm nghề xay xát cà phê ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), khi anh đang trong tình trạng nguy kịch vì bụi phổi quá nhiều.

Theo bác sĩ Lương: Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và có thể đón Tết như mọi người bình thường. Hiện nay, riêng trong ngành than đang có 1.830 công nhân bị bệnh bụi phổi và còn có nhiều người mắc bệnh này ở các ngành nghề khác, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng quy mô, đối tượng phục vụ để chữa trị, phòng ngừa bệnh cho công nhân.

PV

Theo TTXVN, Lao động
  • 2.304