Nếu hứng nước từ trên trời vào những ngày mưa, bạn có thể nghĩ rằng những giọt trong và tươi mát này cũng giống như nước chảy ra từ vòi trong nhà đã qua xử lý. Nhưng nước mưa có thực sự an toàn để uống?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, một số chất gây ô nhiễm có thể tồn tại trong nước mưa, chẳng hạn như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, bụi, khói và các hóa chất khác.
Nước mưa chảy xuống từ mái nhà cũng có thể chứa các dấu vết do động vật để lại, chẳng hạn như phân chim, và nếu ống thoát nước đã cũ, các vật liệu như amiăng, chì và đồng cũng có thể đọng lại trong bể của bạn.
Nếu nước mưa được chứa trong một bể mở, nó cũng có thể chứa đầy côn trùng và các chất hữu cơ đang thối rữa, như lá cây.
Nước mưa có nhiều chất ô nhiễm.
Tuy nhiên, mức độ của các chất gây ô nhiễm này có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào nơi bạn sống và nguy cơ bệnh tật phụ thuộc phần lớn vào lượng nước mưa bạn uống.
Nếu bạn có một hệ thống thu hứng sạch và khử trùng nước mưa đúng cách, bằng hóa chất hoặc bằng cách đun sôi và chưng cất, thì hầu hết các tạp chất có thể bị loại bỏ.
Tuy nhiên, hiện có một nguy cơ mới liên quan đến việc uống nước mưa do chính con người tạo ra. Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2022 trên tạp chí Environmental Science &Technology, các nhà khoa học phát hiện nước mưa trên toàn cầu có nồng độ PFAS độc hại vượt quá quy định về sức khỏe. Điều này có nghĩa là nước mưa chắc chắn không an toàn để uống, đặc biệt là nếu nó không được xử lý một cách triệt để.
Theo Ian Cousins, chuyên gia về hóa học môi trường tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển, PFAS là một thuật ngữ chung để chỉ hơn 1.400 chất và hóa chất do con người tạo ra đã được sử dụng cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm hàng dệt may, bọt chữa cháy, dụng cụ nấu ăn chống dính, bao bì thực phẩm, cỏ nhân tạo và dây đàn guitar...
Tuy nhiên, hiểu biết hiện tại về các tác động sinh học của nước mưa chủ yếu dựa trên các nghiên cứu về bốn perfluoroalkyl acids (PFAAs) - một phân nhóm của PFAS, bao gồm perfluorooctanesulfonic acid (PFOS), perfluorooctanoic acid (PFOA), perfluorohexanesulfonic acid (PFHxS) và perfluorononanoic acid (PFNA).
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, ở mức độ phơi nhiễm cao, những hóa chất này cực kỳ độc hại và có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm các loại ung thư khác nhau, vô sinh, biến chứng thai kỳ, các vấn đề về phát triển, tình trạng hệ miễn dịch và các bệnh về ruột, gan, tuyến giáp. Ngoài ra, như nhà khoa học Cousins cho biết, chúng còn có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin ở trẻ em.
Bằng chứng trên đã khiến PFAA và hầu hết các PFAS khác bị cấm hoặc bị hạn chế rất nhiều trong vòng 20 - 30 năm qua, ngoại trừ ở một số quốc gia châu Á.
Các hướng dẫn sức khỏe xung quanh PFAS cũng đã được điều chỉnh lại để phản ánh độc tính của hóa chất. Ví dụ, ở Mỹ, mức độ phơi nhiễm an toàn với PFOA được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) xác định là ít hơn 37,5 triệu lần so với trước đây.
PFAS không dễ bị phân hủy, có nghĩa là chúng vẫn tồn tại trong môi trường rất lâu sau khi được sản xuất và độ độc hại không hề giảm. Điều này khiến các nhà khoa học đặt biệt danh cho PFAS là “hóa chất vĩnh cửu”.
Nước mưa không an toàn để uống.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ các mẫu nước mưa trên toàn cầu. Họ tiết lộ rằng PFAS vẫn còn nhiều trong nước mưa ở khắp mọi nơi trên Trái đất, với nồng độ cao hơn các tiêu chuẩn an toàn do EPA và các cơ quan quản lý tương tự ở các quốc gia khác đặt ra.
Theo Cousins, các chuyên gia đã hy vọng nồng độ PFAS có thể bắt đầu giảm từ bây giờ, nhưng thực tế không phải vậy. Phát hiện nổi bật nhất là mức PFOA trong nước mưa cao hơn ít nhất 10 lần so với mức an toàn của EPA tại mọi địa điểm được lấy mẫu trên hành tinh, bao gồm cả Cao nguyên Tây Tạng và Nam Cực.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa nắm rõ một cách chính xác cách thức PFAS dịch chuyển đến những vùng xa xôi nhất trên thế giới. Họ đưa ra giả thuyết rằng PFAS trên bề mặt đại dương được hút lên, đưa lại vào khí quyển và sau đó di chuyển đến các khu vực khác, rồi rơi xuống dưới dạng mưa.
Một nhóm nghiên cứu khác cho rằng PFAS bị rò rỉ và chảy ra đại dương, lan ra khắp các khu vực khác trên thế giới. Để tìm ra nguyên nhân chính xác, các nhà khoa học dự định sẽ đẩy nhanh kiểm tra giả thuyết này trong tương lai.
Theo Cousins, còn quá sớm để dự đoán những tác động tổng thể đến sức khỏe cộng đồng mà nước mưa giàu PFAS sẽ gây ra trên toàn cầu, nhưng chúng có thể đã âm thầm phát huy ảnh hưởng.
Tác động của PFAS có thể sẽ lớn hơn ở các nước đang phát triển, nơi hàng triệu người sống dựa vào nước mưa như nguồn nước uống duy nhất của họ. Ngay cả ở một số khu vực ở các quốc gia phát triển, chẳng hạn như Tây Australia, việc uống nước mưa vẫn còn phổ biến.
Cho dù nước mưa được xử lý đúng cách, vẫn không có gì đảm bảo PFAS sẽ bị loại bỏ. Chúng cũng có thể được tìm thấy ở mức độ thấp trong nước uống từ vòi và chai, mặc dù thường ở mức an toàn.
Mức độ PFAS cuối cùng sẽ giảm xuống khi chúng lắng sâu dưới đại dương, nhưng đây là một quá trình dần dần có thể mất nhiều thập niên. Do đó, CDC khuyên không nên trữ và uống nước mưa, mà chỉ nên sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như tưới cây, vệ sinh đồ vật.