Một nhà nghiên cứu tại Montreal cho biết ông đã tìm ra cách khắc phục những cảm xúc đau buồn sau khi chia tay người yêu bằng phương pháp "chỉnh sửa" ký ức thông qua trị liệu và sử dụng một loại thuốc điều trị cao huyết áp.
Tiến sỹ Alain Brunet đã dành hơn 5 năm nghiên cứu chứng hậu chấn tâm lý (PTSD), ông đã làm việc với các cựu chiến binh, cùng với những người đã trải qua các cuộc tấn công khủng bố và tội phạm.
Nhiều nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển phương pháp gọi là "liệu pháp tái khơi gợi ký ức", đây là một phương pháp sáng tạo nhằm loại bỏ những cảm xúc đau đớn từ một ký ức đau buồn.
Loại thuốc điều trị cao huyết áp có thể khắc phục những cảm xúc đau buồn khi chia tay. (Ảnh: Getty Images).
Và yếu tố then chốt trong nghiên cứu của ông chính là loại thuốc v.ô cùng quen thuộc, chính là propranolol. Đây là một loại thuốc điều trị các bệnh lý thông thường như bệnh cao huyết áp, đau nửa đầu, nhưng sau nghiên cứu này, nó đã có thêm một công dụng khác.
Phương pháp tái khơi gợi lại ký ức gồm việc sử dụng propranolol khoảng 1 tiếng trước khi trị liệu. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ được yêu cầu viết lại chi tiết về nỗi đau của họ và sau đó họ sẽ đọc to nó lên.
"Thông thường, khi bạn khơi lại ký ức cũ, nếu có những chi tiết mới, ký ức cũ sẽ được giải phóng và bạn có thể cập nhật cho nó. Ký ức đó sẽ được lưu lại với những chi tiết mới", Brunet trả lời phỏng vấn với BBC.
Quá trình tái khơi gợi lại ký ức sẽ tạo ra một cửa sổ mở ra phần cao trào cảm xúc của ký ức đó.
"Chúng tôi sử dụng những kiến thức nâng cao về cách hình thành ký ức và cách mà chúng được mở ra, cập nhật và lưu lại một lần nữa. Về cơ bản, chúng tôi đã sử dụng những kiến thức mới gần đây về thần kinh học để tiến hành trị liệu cho bệnh nhân", tiến sĩ Brunet cho biết.
Nghiên cứu của ông thường được so sánh với bộ phim khoa học viễn tưởng Eternal Sunshine of a Spotless Mind, nội dung phim kể về một đôi tình nhân bị xóa ký ức về nhau. Dù vậy, tiến sĩ Brunet nhấn mạnh rằng ký ức không bị mất đi sau quá trình trị liệu, chúng chỉ không còn làm bạn thấy "đau" nữa mà thôi.
Một cảnh trong Eternal Sunshine of a Spotless Mind. (Ảnh: Rex Features)
Ký ức, các yếu tố trung lập và thực tại được lưu giữ trong hồi hải mã của não bộ. Nhưng những cảm xúc lại được lưu giữ tại hạch hạnh nhân của não.
"Hãy tưởng tượng rằng bạn đang chiếu một bộ phim theo cách truyền thống, bạn sẽ có phần hình ảnh và phần âm thanh ở hai máy phát riêng biệt", Brunet giải thích.
Khi một người nhớ lại những ký ức đau buồn, họ sẽ trải nghiệm một lúc hai kênh thông tin đó. Propranolol giúp tập trung vào một kênh duy nhất, là kênh cảm xúc của ký ức, thuốc sẽ làm ức chế việc tái khơi gợi phần cảm xúc của ký ức và từ đó không còn làm bệnh nhân cảm thấy đau đớn nữa.
Ký ức được tái khơi gợi lại dưới tác dụng của trị liệu sẽ được não "lưu lại" bằng một phiên bản mới với ít cảm xúc hơn.
Trong nghiên cứu của tiến sĩ Brunet, có đến 70% bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một vài lần điều trị bằng liệu pháp tái khơi gợi ký ức.
Tiến sĩ Brunet còn hợp tác với tiến sĩ Roger Pitman, chuyên gia nghiên cứu về chứng PTSD tại Đại học Havard, để cùng nghiên cứu phương pháp trị liệu này.
Gần đây, ông đã tổ chức một chương trình điều trị tại Pháp sau sự kiện khủng bố tại thành phố Paris và Nice. Chương trình của ông đã tập huấn cho 200 bác sĩ để điều trị cho các nạn nhân, nhân chứng và những người tham gia cấp cứu.
Đến nay, đã có hơn 400 người đã trải qua điều trị bằng liệu pháp này tại Pháp theo chương trình trên.
Tiến sĩ Alain Brunet tìm ra thuốc propranolol có thể tác động đến ký ức. (Ảnh: Getty Images).
Sau khi thành công với chứng PTSD, Brunet cho biết ông muốn mở rộng diện áp dụng của liệu pháp điều trị này.
Năm 2015, Michelle Lonergan, một cựu sinh viên của ông tại Đại học McGill ở Montral đã sử dụng phương pháp trên để điều trị những tổn thương trong tình cảm và ký ức về sự phản bội trong tình yêu.
"Nếu bạn xem những vở bi kịch của người Hy Lạp, nỗi đau xuất phát từ đâu? Chính là sự phản bội", Lonergan nói. "Chúng thật sự là thứ có thể tác động đến mọi trái tim".
Ông cho biết một cuộc chia tay đẫm nước mắt cũng có thể trở nên rất đau thương và chúng ta có thể cảm thấy phản ứng cảm xúc tương tự với hội chứng sang chấn tâm lý những người sống sót.
Các bệnh nhân được tham gia thử nghiệm không thuộc những trường hợp thông thường. Các bệnh nhân được chọn đã trải qua việc bị ngoại tình hay bị bỏ rơi đột ngột bởi người được cho là tri kỷ.
Họ đã phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực và có những người "không thể bước tiếp, họ không thể vượt qua được nỗi đau này", tiến sỹ Brunet nói.
"Đó là những gì người khác thường an ủi họ, nhưng chúng chẳng ích gì. Nhưng những người bạn của họ cũng đã xác định chính xác vấn đề".
Tiến sĩ Brunet hy vọng liệu pháp của ông cũng có thể chữa chứng ám ảnh và nghiện. (Ảnh: BBC).
Bệnh nhân giống như bị "kẹt trong Groundhog Day vậy", đây là bộ phim hài kể về nhân vật chính bị kẹt lại ở ngày 2/2 và ngày này cứ lặp đi lặp lại. Nhưng thay vì như bộ phim, những cảm xúc đau đớn là thứ kẹt lại trong tâm trí họ.
Tiến sĩ Brunet và Lonergan tìm ra rằng nhiều bệnh nhân mắc phải "vết thương lòng" cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một lần trị liệu duy nhất.
Sau 5 lần trị liệu, khi họ đọc to những ký ức về việc bị phản bội, họ đã "thể hiện cảm xúc như ai đó viết nó chứ không phải họ vậy, giống như họ đang đọc một cuốc tiểu thuyết mà thôi".
"Cách điều trị này gần giống với cách mà ký ức hoạt động trên thực tế, giống với cách mà chúng ta dần quên đi những đau buồn và tự vượt qua chúng vậy", Brunet nói.
Phòng thí nghiệm của Brunet tại Montreal hiện đang điều trị cho khoảng 60 người đã trải qua việc bị ngoại tình hay bị lừa dối trong một mối quan hệ để nghiên cứu một liệu pháp tái khơi gợi ký ức mới.
Tiến sĩ Brunet cũng cho biết ông hy vọng khả năng ứng dụng của liệu pháp tái khơi gợi ký ức sẽ được mở rộng hơn nữa, như điều trị chứng ám ảnh, nghiện, đau khổ vì nhiều lý do hay "bất kỳ sự đau buồn nào xuất phát từ một sự kiện cảm xúc", Brunet cho biết.