Nếu bạn thường xuyên uống trà, hãy hạn chế số lượng và chọn loại trà có nồng độ phù hợp. Đặc biệt là tránh uống trà khi đang đói, vì điều này có thể gây ra các tác dụng không tốt cho hệ tiêu hóa.
Trà là đồ uống được yêu thích trên thế giới. Trong trà, nhất là trà khô, chứa hàng trăm hợp chất polyphenol. Các hợp chất chống oxy hóa này giúp trung hòa các phân tử oxy có hại trong cơ thể (các gốc tự do) có liên quan đến ung thư, bệnh tim, bệnh đái tháo đường, giảm nếp nhăn.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, trong trà còn có chất caffein giúp tinh thần sảng khoái, chất phenol hỗ trợ giải độc gan và quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng cường miễn dịch. Tuy có nhiều lợi ích nhưng thói quen uống trà không đúng cách có thể gây hại.
Một số hợp chất trong lá trà có thể gây buồn nôn, nhất là khi uống với lượng lớn hoặc uống khi bụng đói. Tanin có nhiều trong lá trà tạo vị đắng, khô; có thể gây kích ứng mô tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng khó chịu như buồn nôn hoặc đau dạ dày.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng khó chịu nào sau khi uống trà thì nên cân nhắc giảm lượng phù hợp. Bạn cũng có thể thử thêm một ít sữa hoặc ăn ít thức ăn cùng với trà. Tanin có thể liên kết với protein và carb trong thực phẩm giúp giảm thiểu kích ứng tiêu hóa.
Caffein trong trà gây chứng ợ nóng, ợ chua hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit từ trước. Caffein làm mất độ cân bằng dịch dạ dày, tăng nồng độ axit làm giãn cơ vòng ngăn cách thực quản với dạ dày, cho phép các chất có tính axit trong dạ dày dễ dàng chảy vào thực quản, góp phần tăng tổng lượng axit trong dạ dày.
Uống trà tốt cho sức khỏe, song nếu dùng không đúng cách có thể gây hại cho hệ tiêu hóa. (Ảnh: Freepik).
Thức uống này có khả năng sinh hơi trong hệ thống đường tiêu hóa, đồng thời lợi tiểu, khi uống nhiều làm cho đi tiểu liên tục, gây mất nước. Chất tannin còn kích thích dạ dày tiết nhiều axit. Uống trà khi đói bụng dẫn đến tăng tiết dịch axit làm tổn thương hệ thống tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Polyphenol và các hợp chất có tính kiềm trong trà ức chế quá trình phân giải chất dinh dưỡng trong thức ăn. Nếu uống ngay sau bữa ăn có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Uống trà với lượng vừa phải có thể hạn chế các tác dụng phụ, tăng lợi ích cho sức khỏe như góp phần chống viêm, chống béo phì, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, cải thiện sức khỏe của xương. Song, nếu dùng với lượng lớn một số loại như trà đen, trà xanh có lượng caffeine dồi dào có thể dẫn đến tiêu chảy, khó ngủ, căng thẳng, chóng mặt...
Theophylline - một chất hóa học trong trà có thể dẫn tới tác dụng khử nước làm cho phân rắn lại gây ra táo bón. Những người ăn nhiều thực phẩm chứa dầu, mỡ, đạm nếu uống trà có thể táo bón do khó tiêu. Nhiều người cho rằng dùng thức uống này vào buổi sáng dễ đại tiện. Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể gây táo bón.
Tanin có trong trà kết hợp protein trong thực phẩm tạo các chất cặn khó tiêu, kết tủa và tạo sỏi thận. Chất này còn phản ứng với các khoáng chất trong thức ăn như sắt, magie, kẽm... tạo ra các axit gây hại cho dạ dày.
Chất tanin cản trở sự hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Thiếu sắt có thể gây thiếu máu, cản trở tuần hoàn máu và hoạt động của não bộ, làm giảm tổng hợp năng lượng trong tế bào. Dùng trà đặc ngay sau khi ăn trong một thời gian dài khiến cơ thể thiếu hụt sắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến da xanh tái, chóng mặt, mệt mỏi... Nếu bạn có lượng sắt thấp nhưng vẫn thích uống trà thì nên cân nhắc giữa các bữa ăn.
Theo Tiến sĩ Vũ Thanh, caffein trong trà có tác dụng lợi tiểu gây mất nước, rối loạn giấc ngủ vì chứa chất caffeine, theobromine, theophylline, L-threonine kích thích não bộ, tăng nguy cơ sẩy thai, mắc bệnh tim mạch, ung thư tiền liệt tuyến. Có nhiều thói quen uống trà không lành mạnh cần tránh như pha trà bằng cốc giữ nhiệt, pha trong thời gian quá lâu, sử dụng bã chè hay nghiện trà đặc...