Ve hút máu chết kẹt trong hổ phách 100 triệu năm

  •  
  • 1.198

Mảnh hổ phách tìm thấy tại Myanmar là hóa thạch duy nhất của ve hút máu, được bọc trong mạng nhện.

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Kansas phát hiện xác ve hút máu trong mảnh hổ phách từ kỷ Phấn Trắng tại Myanmar, Fox News hôm 18/6 đưa tin. Đây là hóa thạch ve hút máu cổ xưa nhất và là mảnh hổ phách duy nhất đến nay lưu giữ xác ve bị nhện bắt.

Hai mặt của mảnh hổ phách chứa ve hút máu.
Hai mặt của mảnh hổ phách chứa ve hút máu. (Ảnh: University of Kansas).

Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng con ve này vướng phải mạng nhện cách đây 100 triệu năm. Nhện bọc kín con vật đang giãy giụa bằng nhiều lớp tơ. Sau đó, nhựa cây chảy xuống, giam giữ nó trong khối cầu kín khí rồi dần cứng lại thành hổ phách.

Xác ve hút máu lưu giữ trong hổ phách đặc biệt hiếm. Hổ phách là nhựa hóa thạch nên sinh vật được bọc bên trong thường là loài sống ở gốc cây. Trong khi đó, ve thường bám cỏ trên mặt đất để dễ tiếp cận vật chủ và hút máu.

Nhóm chuyên gia xác định con ve này thuộc họ Ixodidae, mang lớp vỏ cứng trên lưng để bảo vệ cơ thể. Bên trong hổ phách, nó được nhiều sợi tơ bao bọc. Sự phát triển của nấm cũng có thể tạo ra tơ mỏng, nhưng kiểu phân nhánh của sợi tơ khiến họ cho rằng chúng do nhện phóng ra.

Các nhà khoa học chưa rõ có phải nhện bắt ve hút máu để ăn hay không. Một số loài ngày nay ăn ve hút máu, nhưng con nhện khi đó không cùng kẹt trong mảnh hổ phách. Do đó, không thể biết chính xác đó là loài nhện nào. Một khả năng khác là nhện bọc ve hút máu để khiến nó bất động và không phá hỏng chiếc mạng của mình.

Cập nhật: 20/06/2018 Theo VNE
  • 1.198