Vi khuẩn có trong sữa bò gây bệnh đường ruột Crohn

  •  
  • 1.106

Cứ 800 người dân nước Anh thì có một người mắc bệnh Crohn - chứng viêm ruột kinh niên khiến người bệnh bị đau, chảy máu đường ruột và tiêu chảy.

Một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium paraberculosis giải phóng một loại phân tử khiến bạch huyết cầu không thể tiêu diệt vi khuẩn E.coli có trong cơ thể. Trong số những người mắc bệnh Crohn đang tăng lên, vi khuẩn E.coli đều có mặt trong phần mô nhiễm bệnh.

Vi khuẩn Mycobacteria được cho là thâm nhập vào cơ thể qua sữa bò và các sản phẩm bơ sữa khác. Nó có thể gây ra chứng tiêu chảy rất nguy hiểm được gọi là Johne ở gia súc. Tuy nhiên cho đến bây giờ cơ chế gây viêm ruột ở người của loại vi khuẩn này vẫn chưa được làm rõ.

(Ảnh minh họa: Medseek.com)
Giáo sư Jon Rhodes, trường đại học Khoa học lâm sàng giải thích: “Vi khuẩn Mycobacterium paratuberculosis được phát hiện ở những mô mang bệnh Crohn, nhưng tác động của nó đến căn bệnh vẫn còn gây tranh cãi. Hiện chúng tôi đã chứng minh được vi khuẩn này giải phóng ra một loại phần tử phức tạp có chứa đường – được gọi là mannoza. Phân tử này ức chế bạch huyết cầu macrophages khiến chúng không thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.Coli”.

Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng những ca nhiễm bệnh Crohn có số lượng vi khuẩn E.Coli tăng lên nhiều, và khả năng chống lại loại vi khuẩn đường ruột này cũng thấp hơn. Tác động ức chế của phân tử do Mycobacterial giải phóng đối với bạch huyết cầu khiến mọi người nghĩ đến cơ chế làm suy yếu sức kháng cự của cơ thể đối với vi khuẩn.

Giáo sư Rhodes cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng nhận thấy loại vi khuẩn này giống như một tác nhân gây ra sự xuất hiện của một loại protein kháng thể tuần hoàn có trong 2/3 bệnh nhân Crohn. Đây là một dấu hiệu cho thấy người bệnh đã nhiễm vi khuẩn Mycobacterium”.

Đội nghiên cứu đang thử nghiệm những biện pháp lâm sàng để xác định liệu kháng sinh có thể dùng để tiêu diệt vi khuẩn trong bạch huyết cầu và chữa trị bệnh Crohn.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 1.106