Vì sao hàng loạt ôtô, xe máy không thể mở khóa ở Hà Nội?

  •  
  • 494

Hàng loạt ôtô, xe máy ở phố Vọng không mở được khóa xe bằng smartkey do gặp phải thiết bị điều khiển bằng sóng vô tuyến công suất cao gây nhiễu, làm mất kết nối.

Trường hợp ôtô, xe máy đột nhiên không mở được khóa xe bằng smartkey khi ở khu vực nút giao Nguyễn An Ninh - phố Vọng mấy ngày qua không phải hiện tượng lạ. Sử dụng thiết bị kiểm tra, nhà chức trách phát hiện có thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến để bật, tắt máy bơm nước tại một hộ gia đình ở phố Vọng là nguồn gây nhiễu sóng khiến smartkey của xe máy, ôtô bị vô hiệu hóa.

Giải thích vấn đề này, TS Trương Trung Kiên, tốt nghiệp ngành điện tử, Đại học Texas (Mỹ) cho biết, sóng vô tuyến có đặc điểm là phải có băng thông với một tần số nhất định mới thực hiện kết nối hai thiết bị. Với những thiết bị điện tử như smartkey của xe máy hay ôtô, độ rộng về tần số, kênh truyền rất hẹp. Khi một thiết bị khác phát ra với công suất lớn ở khoảng cách gần nếu cùng tần số, băng thông sẽ bị nhiễu sóng, mất kết nối.

Theo ông, không chỉ smartkey xe, các thiết bị điều khiển khác tương tự như cửa cuốn, sử dụng các băng tần "nghiệp dư" (dùng lậu miễn phí và không xin phép) điều khiển bằng sóng vô tuyến ở xung quanh cũng có thể bị nhiễu. Các thiết bị này thường phát công suất lớn nhằm dễ điều khiển khi ở khoảng cách xa nhưng lại chiếm dụng một băng tần cho nhiều người sử dụng khiến các thiết bị khác bị nhiễu sóng.

Với một thiết bị sử dụng sóng vô tuyến đạt chuẩn, theo TS Kiên, nhà sản xuất phải đăng ký với cơ quan chức năng là Bộ Thông tin và Truyền thông để được cấp tần số hoạt động, quy định mức công suất thu phát tối đa. Bởi nếu cùng tần số, nhưng công suất phát trong ngưỡng cho phép thì không có khả năng ảnh hưởng đến các thiết bị xung quanh.

Cán bộ Cục Tần số vô tuyến điện dùng thiết bị kiểm tra ở phố Vọng, chiều 22/6.
Cán bộ Cục Tần số vô tuyến điện dùng thiết bị kiểm tra ở phố Vọng, chiều 22/6. (Ảnh: Việt An).

TS Hoàng Ngọc Tân, Trưởng ngành kỹ thuật ôtô, khoa cơ điện - điện tử (Đại học Lạc Hồng) lý giải cơ chế gây nhiễu là thiết bị đó tạo ra "bức tường" ngăn không cho giao tiếp giữa bộ phận thu - phát của thiết bị điều khiển bằng sóng vô tuyến xung quanh. Việc giao tiếp này sử dụng một tần số cố định, đa số ở dạng tần số ngắn. Khi có thiết bị gây nhiễu, phần phát vẫn hoạt động, nhưng phần thu sóng không nhận được tín hiệu.

Theo ông Tân, thiết bị mở khóa smartkey của xe máy, ôtô thường tích hợp bộ phận chống nhiễu trong mạch. Tuy nhiên mục đích của khóa từ là hoạt động trong phạm vi gần nên nhà sản xuất thường ít chú trọng. Họ tập trung hơn vấn đề bảo mật, chống trộm cho xe. Nếu tích hợp chống nhiễu với công nghệ cao hơn, chi phí sẽ tăng lên.

Các chuyên gia đều cho rằng, vụ việc thiết bị điều khiển từ xa máy bơm gây nhiễu ở Hà Nội khả năng cao là do chủ nhà vô tình mua phải thiết bị nhập lậu, không có tem kiểm định hợp quy nên ảnh hưởng đến các thiết bị khác. Ngoài vấn đề gây nhiễu, chuyên gia cho rằng, việc sử dụng các thiết bị truyền sóng vô tuyến công suất lớn có thể ảnh hưởng sức khỏe vì sóng điện từ có thể ảnh hưởng đến não và các bộ phận khác trên cơ thể.

Để xử lý khi smartkey bị mất kết nối do nhiễu sóng, theo ông Ngô Đăng Lưu, chuyên gia điện - điện tử, Giám đốc công ty Anh Minh Global, khi nhận thấy xe không thể mở khóa, chủ xe nên thử đặt cảnh báo bằng cách nhấn nút khóa trên điều khiển từ hoặc sử dụng chìa khóa vật lý. Điều này giúp chủ xe phát hiện nhiễu và đảm bảo an toàn cho xe. Ngoài ra, chủ xe khi gặp nhiễu có thể di chuyển gần hơn đến xe và thử lại quá trình mở khóa. Ở khoảng cách gần hơn có thể giúp tín hiệu truyền đến hệ thống khóa từ mạnh hơn và vượt qua nhiễu.

Cập nhật: 24/06/2023 VnExpress
  • 494