Trong vòng 3 tuần qua, đảo Lombok của Indonesia đã liên tục bị rung chuyển bởi một loạt trận động đất với cường độ cao khiến hơn 500 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sống cảnh "màn trời chiếu đất".
Theo các chuyên gia, các trận động đất xảy ra cuối tháng 7 là hệ quả của sự va chạm giữa hai mảng vỏ Trái Đất là lục địa châu Đại Dương và lục địa Á - Âu ngay bên dưới quốc đảo Indonesia. Sự đè nén giữa 2 mảng vỏ tạo ra các hoạt động địa chất dọc vết đứt gãy lớn còn gọi là cung Flores nằm phía Bắc của Lombok, chạy từ đoạn cuối của đảo Java đến đảo Timor.
Chuyên gia về vỏ Trái Đất và địa chất học tại Đại học Curtin, Tây Australia, Chris Elders nhận định: "Rõ ràng có các phần khác biệt của vết nứt gãy đã chuyển động vào thời điểm đó, tạo ra những sức ép đó".
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường đổ nát sau động đất tại Bắc Lombok, Indonesia ngày 8/8.
Chuyên gia Elders nhận định, các hoạt động địa chất gia tăng khi các phần khác nhau của vết nứt gãy trượt ra và xê dịch. Đây là lý do khiến nhiều trận động đất lớn xảy ra ở Lombok. Tuy nhiên, việc xác định chính xác điều gì đã gây ra sự đứt gãy khó hơn nhiều so với việc chỉ ra rằng có một sự dồn nén tại khu vực này.
Theo nhà địa chất học cấp cao của Viện Khoa học Indonesia Danny Hilman Natawidjaja, "vết nứt gãy sẽ xê dịch theo định kỳ khi sức ép gia tăng".
Các nhà khoa học cũng chỉ ra việc hàng loạt dư chấn xảy ra sau những trận động đất mạnh là hiện tượng bình thường, song sự xuất hiện liên tiếp các cơn địa chấn với cường độ mạnh tương đương nhau là điều rất bất bình thường.
Chuyên gia nghiên cứu động đất của Viện Công nghệ Bandung (Indonesia) Adang Surahman cho biết: "Thông thường phải một thời gian dài sau, một trận động đất lớn mới lại xảy ra do năng lượng đã giảm bớt. Tuy nhiên ở Lombok, cường độ trận động đất sau thậm chí còn lớn hơn trận trước... Có thể vẫn còn sự mất cân bằng và dịch chuyển giữa các mảng kiến tạo". Điều này có nghĩa vẫn có nguy cơ xảy ra những trận động đất lớn tại khu vực này trong tương lai gần.
Trong các ngày 29/7 và 5/8 vừa qua, Lombok đã hứng chịu 2 trận động đất mạnh gây tổn thất nghiêm trọng về người và của. Tiếp đến, ngày 19/8, hòn đảo này tiếp tục rung chuyển bởi hàng loạt trận động đất và dư chấn mới, trong đó trận động đất mạnh nhất có cường độ lên tới 6,9 độ Richter.
Đảo Lombok cũng như toàn bộ quốc đảo Indonesia đều nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng vỏ Trái Đất va chạm, khiến khu vực này thường xuyên xảy ra động đất và phun trào núi lửa.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ Richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia.