Đài quan sát ALMA ở Chile ghi lại cảnh tượng chưa từng thấy về một vụ va chạm sao cách xa hàng tỷ năm ánh sáng.
Theo nghiên cứu mới đăng tải trên trang arXiv hôm 1/8, các nhà thiên văn học từ Đại học Northwestern của Mỹ và Đại học Radboud của Hà Lan đã lần đầu tiên quan sát thấy bước sóng milimet từ vụ va chạm của ít nhất một ngôi sao neutron với một ngôi sao khác.
Sự kiện hợp nhất dữ dội này - được gọi là GRB 211106A - tạo ra một trong những vụ nổ tia gamma ngắn mạnh nhất từng được ghi nhận. Ánh sáng đã lan truyền từ 6 đến 9 tỷ năm ánh sáng trong vũ trụ trước khi được phát hiện bởi tổ hợp kính viễn vọng vô tuyến Atacama Large Millimeter/Submmillimeter Array (ALMA) ở Chile.
ALMA quan sát thấy vầng sáng rực rỡ từ vụ va chạm sao GRB 211106A. (Video: ESO/NAOJ/NRAO)
Đoạn video time-lapse (tua nhanh thời gian) cho thấy vầng sáng gây ra bởi vụ va chạm hiện lên nổi bật giữa khung hình và mờ dần sau 63 ngày.
Các vụ nổ tia gamma (GRB) - bao gồm GRB dài và GRB ngắn - là loại vụ nổ mãnh liệt nhất trong vũ trụ. Chỉ trong 10 giây, chúng có thể giải phóng nhiều năng lượng hơn một ngôi sao như Mặt Trời tỏa ra trong 10 tỷ năm.
Theo NASA, GRB dài thường do sự kiện siêu tân tinh gây ra, khi lõi của một ngôi sao lớn sụp đổ thành một hố đen, và tồn tại từ vài giây đến vài phút. Trong khi đó, GRB ngắn là kết quả của các vụ va chạm sao neutron và chỉ kéo dài từ vài mili giây đến dưới 2 giây. Tuy nhiên, khi vật chất phóng ra từ vụ nổ va đập với khí bụi xung quanh, nó tạo ra một vầng sáng rực rỡ có thể quan sát thấy trong nhiều tháng.
Mô phỏng một vụ va chạm sao neutron. (Ảnh: Robin Dienel)
"Các vụ nổ tia gamma ngắn thường diễn ra ở những thiên hà xa xôi, có nghĩa là ánh sáng của chúng khá mờ nhạt khi truyền tới kính thiên văn trên Trái đất. Trước ALMA, các kính thiên văn milimet không đủ nhạy để phát hiện những tàn dư này", nhà vật lý thiên văn Tanmoy Laskar từ Đại học Radboud nhấn mạnh.
Quan sát mới về GRB 211106A sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự kiện GRB cũng như tác động của chúng đối với môi trường xung quanh.