Virus khảm đậu đũa: "vũ khí" hiệu nghiệm chống ung thư?

  •  
  • 658

Jack Hoopes, một chuyên gia bức xạ thú y tại Đại học Dartmouth, đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để điều trị bệnh ung thư cho chó. Nhờ vào các "bệnh nhân" đặc biệt này, ông hi vọng có thể sớm tìm ra các phương pháp mới phục vụ chữa trị cho con người trong tương lai.

Gần đây, nhiều chú chó mà Hoopes khám thường mắc phải bệnh ung thư miệng. Khi bị bệnh này, chúng sẽ có nguy cơ tử vong rất cao trong vòng vài tháng nếu không được điều trị kịp thời. Hơn nữa, do ung thư miệng dễ tái phát lại kể cả sau khi được điều trị bằng bức xạ nên đây đang là một thách thức thật sự cho ông.

Tuy nhiên với phương pháp trị liệu mới vừa phát triển, Hoopes đã chữa trị thành công cho một vài chú chó. Cụ thể, sau khi được ông tiêm một loại virus thực vật vào, khối u của những con chó này đã biến mất hoàn toàn và dần phục hồi với tốc độ đáng kinh ngạc. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn tiếp tục sống đến già mà không có dấu hiệu tái phát lại bệnh.

Với thành quả có được, Hoopes tự tin cho rằng phương pháp điều trị mới của ông có tiềm năng lớn trong việc cứu sống những người mắc bệnh ung thư. Ông nói: "Tôi đã thành công khi chữa khỏi bệnh ung thư cho chó bằng cách tiêm virus thực vật nên đây là thời điểm tốt để hoàn thiện và nhanh chóng áp dụng liệu pháp điều trị này cho con người".

Loại virus thực vật được Hoopes sử dụng để chữa bệnh ung thư có tên gọi là virus khảm đậu đũa. Nó xuất hiện trên lá của những cây đậu đũa bị nhiễm bệnh, đặc biệt là loài đậu mắt đen. Con virus này thích ứng tốt trên thực vật hơn so với động vật, chúng liên tục nhân lên khi sống trong cơ thể các loài cây. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus khảm đậu đũa vẫn "kích hoạt" chế độ miễn dịch khi vào cơ thể động vật, đây chính là chìa khóa quan trọng để chữa trị bệnh ung thư.

Con virus này có khả năng thích ứng tốt nhất trong tất cả các loại.
Con virus này có khả năng thích ứng tốt nhất trong tất cả các loại.

Các tế bào ung thư có một đặc tính giúp chúng đánh lừa hệ miễn dịch và dễ dàng vượt qua "tấm chắn" kiên cố này. Do đó, mục đích của việc tiêm virus vào cơ thể chủ yếu là để chúng hỗ trợ hệ miễn dịch trong quá trình nhận biết tế bào ung thư.

Trong các loại virus từng thử nghiệm, Hoopes chọn virus khảm đậu đũa vì nó cho thấy hiệu quả cao hơn phần còn lại trong quá trình trị bệnh. Ông chia sẻ: "Con virus này có khả năng thích ứng tốt nhất trong tất cả, với liệu pháp virus mới tôi có thể giúp hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn".

Để điều trị cho các chú chó, Hoopes tiêm trực tiếp 200 microgam virus vào khối u của chúng. Những phân tử này không phải là virus khảm đậu đũa sống, thay vào đó chúng đã bị loại bỏ vật chất di truyền hoặc vô hiệu hóa để không thể tái tạo. Mỗi chú chó được tiêm đều đặn 4 liều virus và chữa trị với liệu pháp bức xạ tiêu chuẩn liên tục trong hai tuần.

Hầu hết các virus đều có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng vài nanomet nên việc chúng có thể xâm nhập vào tế bào ung thư là hoàn toàn dễ dàng. Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết rằng sau khi được "lập trình" lại, loại "vũ khí" này còn phát huy được nhiều các tính năng đặc biệt khác. Có lợi ích cao như vậy nhưng chi phí để sản xuất virus chống ung thư tương đối rẻ vì chúng có khả năng tự tái tạo và không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài sau khi được tiêm vào khối u.

Jan Carette, nhà miễn dịch học và chuyên gia về điều trị virus tại Đại học Stanford, cho biết: "Khi vào cơ thể vật chủ, virus thực hiện nhiệm vụ rất nhanh nhờ vào khả năng thích ứng tốt của mình. Chúng không chỉ là những cỗ máy phân tử linh hoạt mà còn sở hữu nhiều đặc tính có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Với công nghệ hiện nay chúng ta dễ dàng điều khiển và sử dụng virus làm phương pháp chữa bệnh ung thư". 

Trước đây, từng có một nhóm các nhà khoa học cũng sử dụng virus để trị ung thư nhưng loại virus họ dùng là virus ung thư đã bị biến đổi gene. Thay vì tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch, những con virus đột biến này xâm nhập vào các tế bào ung thư rồi liên tục phân chia cho đến khi tế bào quá tải và "phát nổ". Sự tăng trưởng tế bào lạ thường như vậy đồng thời cũng thu hút sự chú ý của hệ miễn dịch, điều này giúp nó nhanh chóng tìm ra được tế bào ung thư và thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, việc sử dụng virus ung thư đột biến có một rủi ro cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được "bỏ" vào đúng nơi, chúng sẽ bắt đầu xâm nhập vào và phá hủy các tế bào khác. Do đó, các nhà nghiên cứu thường phải tốn nhiều công sức để đưa virus đến đúng vị trí của khối u trong cơ thể.

Steve Fiering, nhà miễn dịch học tại Đại học Dartmouth chia sẻ: "Không có loại virus ung thư nào cho thấy hiệu quả tốt trong các thử nghiệm lâm sàng. Hiện tại, chỉ có ba liệu pháp oncolytic virotherapy (sử dụng virus làm công cụ chữa ung thư) là được chấp thuận để điều trị ung thư trên toàn thế giới. Trong đó có hai liệu pháp dùng để chữa trị ung thư hắc tố và cái còn lại chữa ung thư đầu với cổ. Theo một bài báo được xuất bản vào đầu năm nay trên tạp chí Frontiers in Oncology, có nhiều thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành trên khắp thế giới về việc sử dụng virus ung thư đột biến để điều trị ung thư gan, phổi, tụy, buồng trứng, tuyến tiền liệt, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhà báo nào viết về hiệu quả thực sự của phương pháp này".

Cập nhật: 11/10/2020 Theo vnreview
  • 658