Vỏ sò niên đại 80.000 năm – đồ trang sức cổ xưa nhất trên trái đất

  •  
  • 1.918

Gần đây, người ta khai quật được vỏ sò tại bốn địa điểm thuộc Morroco. Điều này củng cố giả thuyết cho rằng từ 80.000 năm trước, con người không chỉ đeo đồ trang sức biểu tượng mà còn đem chúng làm vật trao đổi. Những vỏ sò này góp thêm vào bộ sưu tập vỏ sò 110.000 năm tuổi được tìm thấy tại Algeria, Morocco, Israel và Nam Phi, chứng tỏ rằng đây là hình thức trang sức cổ xưa nhất trái đất. Thông tin này được báo cáo tại Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Trong một phần của chương trình “Nguồn gốc loài người, ngôn ngữ và các ngôn ngữ” do Quỹ khoa học Châu Âu thực hiện, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 25 vỏ sò biển có niên đại từ 70.000 tới 85.000 năm tại Morroco. Những vỏ sò này có lỗ ở giữa. Vài chiếc có dấu vết chất nhuộm màu và có vẻ như đã được đeo khá lâu. Điều này cho phép đưa ra giả thuyết chúng có thể đã được dùng như đồ trang sức.

Vỏ sò được tìm thấy ở tất cả các địa điểm trên đều có cùng niên đại và cùng thuộc loài sò Nassarius. Việc những vỏ sò này được dùng với công năng tương tự nhau ở nhiều khu vực gợi ý rằng đây là một hiện tượng văn hoá, một truyền thống lan truyền trong các nền văn hoá suốt hàng ngàn năm. Một số địa đỉểm mà ngừơi ta tìm thấy vỏ sò ở rất sâu trong đất liền. Do đó, chắc hẳn vỏ sò đã được mang từ nơi khác đến một cách có chủ đích.

Francesco d’Errico, tác giả chính và là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết “Có hai giả thiết lý giải điều này. Một là người ta đã đi ra biển và thu thập vỏ sò. Hai là những vỏ sò này đã giúp hình thành và duy trì mạng lưới trao đổi giữa cư dân vùng biển và cư dân trong đất liền. Mạng lưới này cũng góp phần vào trao đổi các đồ vật khác, cũng như giao lưu về văn hoá và giống nòi. Vì thế, những vỏ sò này giúp hé lộ mối liên hệ giữa nhận thức và văn hoá.”

Đối với giới khoa học, vỏ sò không đơn giản chỉ là vật làm đẹp. Chúng đại diện cho một công nghệ cụ thể truyền tải thông tin thông qua một ngôn ngữ đã được mã hoá. Điều này phản ánh tư duy tiến bộ và sự phát triển của các dòng văn hoá hiện đại, cung cấp chứng cứ cho thấy hành động đột phá này có thể liên quan tới sự phát tán cư dân ra ngoài Châu Phi.

Vỏ sò đục lỗ trong tầng khảo cổ có niên đại từ 73.400 đến 91.500 năm tại Taforalt. (Ảnh: d'Errico/Vanhaeren)

‘d Errico cho biết thêm “Phát minh ra đồ trang sức cá nhân là một trong các cuộc thử nghiệm văn hoá thú vị nhất trong lịch sử loài người. Thành phần chung giữa các đồ trang sức chính là thông điệp mà người cổ xưa muốn gửi tới nhau. Chúng truyền tải hình ảnh của con người chứ không chỉ là một vật thể sinh học bình thường.”

Tới gần đây, người ta vẫn cho rằng sự phát minh ra đồ trang sức cá nhân trùng hợp với tiến trình thực dân hoá Châu Âu vào 40.000 năm trước, là kết quả của tư duy tiến bộ và sự phân tán dân cư. Quan điểm này bị bác bỏ bởi phát hiện năm 2006. Người ta đã tìm thấy vỏ sò ở Châu Phi và Cận Đông có niên đại khoảng 35.000 năm. Điều này chứng tỏ lối tư duy thể hiện bằng biểu tượng xuất hiện từng bước trong quá trình tiến hoá của con người.

Điều đáng ngạc nhiên là, vỏ sò không có mặt trong các tài liệu khảo cổ ghi chép tại Châu Phi và Cận Đông vào 70.000 năm trước - thời điểm xuất hiện các đột phá về văn hoá như việc khắc trên đất hoàng thổ, sử dụng dụng cụ làm từ xương động vật và chế tạo ra vật để lao, phóng. 30.000 năm sau, đồ trang sức cá nhân lại tái xuất hiện tại Châu Phi và Cận Đông và lần đầu có mặt tại Châu Âu và Châu Á. Điều này phản ánh một giai đoạn độc lập khác trong sự phát triển của cư dân.

Những đột phá văn hoá biến mất tạm thời có thể liên quan tới việc dân số giảm sút trong suốt thời kì khí hậu khắc nghiệt khoảng từ 60.000 tới 73.000 năm trước. Môi trường tự nhiên khắc nghiệt đã chia tách cư dân và làm gián đoạn mạng lưới trao đổi và giao lưu xã hội.

Trong nghiên cứu này, 21 dự án và 44 nhóm nghiên cứu độc lập từ 12 quốc gia Châu Âu đã cùng thành lập Qũy khoa học Châu Âu EUROCORES và điều hành chương trình “Nguồn gốc loài người, ngôn ngữ và các ngôn ngữ”. Sự hợp tác này quy tụ nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó phải kể đến ngành công nghệ gen, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học, thần kinh học và khoa học nhận thức.

Tiến sỹ Eva Hoogland, điều phối ngành khoa học nhận thức của EUROCORES cho biết “Nghiên cứu này là một ví dụ hay về môi trường làm việc có sự tham gia của nhiều ngành khoa học. Một số vấn đề, ví dụ như mối liên hệ giữa nhận thức con người và văn hoá chỉ có thể được giải quyết nếu có sự hợp tác của các nhà khoa học thuộc các chuyên môn khác nhau.”

Nghiên cứu này cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ Hội đồng nghiên cứu môi trường thiên nhiên, Viện Hàn lâm Anh, Đại học Oxford, Anh; Hội Max Planck, Đức.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.918