Vụ cướp ngân hàng khởi nguồn hội chứng con tin yêu kẻ bắt cóc

  •  
  • 2.632

44 năm trước những con tin bị bắt cóc trong vụ cướp ngân hàng ở Thụy Điển gây chấn động thế giới bởi đã mắc hội chứng Stockholm.

Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Thuật ngữ này được bác sĩ tâm thần Nils Bejerot đặt tên sau vụ cướp Ngân hàng Kreditbanken nằm gần quảng trường Norrmalmstorg ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển gây chấn động cả thế giới.

Ngày 23/8/1973, tên tù vượt ngục Jan Erik Olsson đã xả súng khủng bố các nhân viên ngân hàng và hét lên "cuộc vui chỉ vừa bắt đầu thôi". Tên cướp bắt giữ 4 con tin gồm 3 phụ nữ và một người đàn ông, trong 131 giờ. 4 con tin gồm Birgitta Lundblad, Elisabeth Oldgren, Kristin Ehnmark và Sven Safstrom. Những con tin bị gắn thuốc nổ và giam trong một kho đựng tiền. Kẻ cướp đòi chính quyền trả 3 triệu Krona tiền chuộc và phải thả bạn cùng xà lim cũ của hắn là Clark Olofsson.

Các con tin bị giam giữ ở ngân hàng.
Các con tin bị giam giữ ở ngân hàng. (Ảnh: AFP).

Sáng hôm sau Olofsson được đưa đến nhà băng. Olsson yêu cầu một ôtô để rời khỏi hiện trường nhưng bị từ chối. Buổi chiều hắn được nối điện thoại trực tiếp với Thủ tướng đương nhiệm Olof Palme. Bất ngờ, nạn nhân Kristin Enmark lên tiếng: "Palme, ông làm tôi rất thất vọng. Tôi không sợ hai người đàn ông này, họ bảo vệ chúng tôi". Cô cầu xin được cho phép rời nhà băng cùng kẻ bắt cóc. Cả nước Thuỵ Điển ngơ ngác. Điều gì đã xảy ra với cô gái trẻ ấy?

Ngày thứ ba của vụ bắt cóc, radio tiết lộ cảnh sát lập kế hoạch khoan một lỗ ở tường để phun khí gây mê vào trong. Dĩ nhiên cả nhóm người trong nhà băng đều nghe đài. Qua lỗ khoan, cảnh sát đưa đồ ăn thức uống vào. Ngày 28/8 năm ấy, ngày thứ 6 của sự kiện, Jan Erik Olsson mất bình tĩnh. Hắn bắn lên trần nhà và làm bị thương một cảnh sát. Trong khi đó, các con tin nhất nhất tuân theo mọi mệnh lệnh của Olsson, thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với hắn. Sau này Olsson khai trước tòa: "Họ làm cho chúng tôi không sao giết họ được". Thậm chí, hãng tin AFP đã trích dẫn những hồi tưởng của Olsson, nay là một ông lão ngoài 70, kể rằng: "Đã có lúc các con tin còn che chắn để cảnh sát không thể bắn tôi".

9h tối, lúc cảnh sát phun khí qua lỗ khoan và các đặc vụ xông vào quật ngã hai hung thủ, Kristin Enmark hét: "Đừng làm đau họ, họ không làm gì chúng tôi cả". Ra đến bên ngoài, trước hàng trăm ống kính máy ảnh, cô gọi với theo Clark Olofsson: "Hẹn gặp lại anh".

Cảnh sát bắt giữ Olsson.
Cảnh sát bắt giữ Olsson. (Ảnh: AFP).

Cách hành xử của Enmark và những nạn nhân còn lại khiến cả Thuỵ Điển tranh cãi. Enmark kể: "Tôi không còn sợ họ nữa, mà là sợ chính cảnh sát". Elisabeth Oldgren sau này nói rằng, vào thời điểm đó, cô nghĩ Olsson "rất tử tế" khi cho phép cô di chuyển trên sàn của ngân hàng. Còn Safstrom thì cho biết ông thậm chí còn cảm thấy rất biết ơn Olsson. "Khi Olsson đối xử tốt với chúng tôi, chúng tôi nghĩ ông ấy là một Thiên Chúa", người đàn ông bị bắt cóc nói.

"Chúng tôi bị thẩm vấn nhiều ngày liền nhưng chẳng ai muốn biết đến các nhu cầu hay nguyện vọng của chúng tôi, ai cũng chỉ hỏi về hội chứng Stockholm", Enmark nhớ lại. Cô bỏ việc ở nhà băng, nghiên cứu xã hội học và trở thành chuyên gia tâm lý trị liệu cho người nghiện ma túy. Mới đây, Kristin Enmark xuất bản một cuốn sách tựa đề Tôi bị mắc Hội chứng Stockholm.

Cô thú thực đã có cảm tình đặc biệt với Clark Olofsson. Nhiều tháng sau khi được giải thoát, cô liên tục vào thăm hắn trong tù, hai người vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, dù hắn đã cưới một cô gái người Bỉ sau song sắt. Jan-Erik Olsson được ân xá sau 8 năm và cùng gia đình chuyển sang Thái Lan. Vụ bắt cóc về sau được xây dựng thành phim và là đề tài hấp dẫn của nhiều tiểu thuyết.

Theo BBC, trong lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp nạn nhân bắt cóc đều có những biểu hiện của hội chứng này. Hội chứng Stockholm thể hiện rõ nét nhất ở Patty Hearst, nữ triệu phú thừa kế một tờ báo ở California (Mỹ) bị nhóm chiến binh cách mạng bán vũ trang SLA bắt cóc năm 1974. Cô sau đó nảy sinh tình cảm thân thiết với những kẻ bắt cóc, thậm chí nhập bọn với chúng trong một vụ cướp ngân hàng vào tháng 4/1974. Cuối cùng, Patty Hearst bị bắt giữ và mang án 7 năm tù nhưng được trả tự do sau 3 năm.

Elizabeth Smart, 14 tuổi khi bị bắt cóc vào tháng 5/2002. Cô bị cưỡng hiếp và giam giữ suốt 9 tháng tại Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Smart kể rằng cô luôn tự đấu tranh và đặt câu hỏi cuộc sống có tốt đẹp hơn nếu trốn thoát, liệu mọi người ở ngoài có còn yêu quý cô không. Tháng 5/2011, Brian David Mitchell, kẻ bắt cóc Smart phải nhận án tù chung thân.

Natascha Kampusch, người Áo, là một nạn nhân điển hình mắc hội chứng Stockholm. Cô bị nhốt dưới tầng hầm suốt 8 năm, từ năm 1998, khi mới 10 tuổi. Wolfgang Priklopil đánh đập cô hơn 200 lần một tuần và xích cô lại trong khi họ ngủ cùng. Mãi đến tháng 8/2006, Kampusch mới quyết định thoát ra, còn Priklopil đâm đầu vào tàu hỏa tự sát.

Kristin Ehnmark vẫn bị ám ảnh về vụ việc sau hơn 40 năm.
Kristin Ehnmark vẫn bị ám ảnh về vụ việc sau hơn 40 năm. (Ảnh: AP).

Các bác sĩ tâm thần giải thích, hội chứng Stockholm là một trong những rối loạn tâm thần. Khi nạn nhân bị ép buộc phải đối diện với một hoàn cảnh trái ngược, mâu thuẫn thì đã có những phản ứng cam chịu thay vì kháng cự. Nạn nhân đã tự biện luận và chấp nhận việc cầu thân với kẻ gây chuyện để thích hợp với môi trường mới hòng khỏi bị giết hoặc bạo hành. Sau một thời gian lâu dài thì các nạn nhân tỏ ra tuân phục rồi cảm mến sự chăm sóc của thủ phạm mà không ý thức được việc làm sai trái trước đó.

Chuyên gia tâm lý học Frank Ochberg đã bỏ công nghiên cứu về hội chứng này và nhận xét: "Đầu tiên, nỗi sợ hãi bất ngờ đến với các con tin, họ đinh ninh rằng mình sẽ chết. Sau đó, họ lại trải nghiệm trạng thái giống như một đứa trẻ - không thể tự ăn, nói hoặc đi vệ sinh mà không có sự cho phép". Hội chứng này là một bản năng sinh tồn của con người có từ hồi mới sinh ra. Vì vậy, những hành động nhỏ của kẻ bắt cóc con tin như cho ăn, uống đã dẫn đến sự biết ơn ban đầu.

Nhà tâm lý học Jennifer Wild, một chuyên gia tâm lý học tại Đại học Oxford cho biết: "Một ví dụ điển hình là bạo lực gia đình, khi một ai đó, chủ yếu là phụ nữ, họ có cảm giác phụ thuộc vào người bạn đời của mình và ở bên anh ta mặc dù bị bạo lực. Họ cảm thấy thấu cảm hơn là giận dữ".

Theo Primehealthchannel, những người mắc hội chứng Stockholm đều có một số dấu hiệu như: Thể hiện sự ngưỡng mộ đối với những kẻ bắt cóc; Chống lại đội cứu hộ; Bảo vệ kẻ bắt cóc; Cố gắng làm vui lòng những người bắt cóc; Từ chối làm chứng chống lại người bắt giữ mình; Từ chối chạy trốn khỏi những kẻ bắt cóc.

Hội chứng Stockholm thường được coi là một tình trạng phát triển từ căng thẳng và sợ hãi. Cách chữa trị hiệu quả nhất là liệu pháp tâm lý. Bệnh nhân cần nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần và các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được điều trị bằng thuốc.

Cập nhật: 12/07/2017 Theo VnExpress
  • 2.632