Xây đập tràn biến hồ thành công viên xanh

  •  
  • 1.778

Chị Hà Thị Kim Thanh, công tác tại Sở KHCN Đà Nẵng, có ý tưởng xây những con đập tràn khác nhau để chia một hồ nước thành ba hồ nhỏ, sử dụng các vi khuẩn có sẵn trong hồ kết hợp trồng các loại cây xanh có khả năng xử lý nước thải.

Ý tưởng có tên “Nâng cao hiệu quả sử dụng hồ Công viên 29/3 TP Đà Nẵng dựa trên mô hình đất ngập nước nhân tạo”, vừa đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng bảo vệ môi trường” do Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức.

Giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan

Theo ý tưởng của Thanh, hồ Công viên 29/3 có diện tích 11ha, được chia thành ba hồ nhỏ là hồ kị khí, hồ tùy nghi, hồ hiếu khí. Giữa các hồ sinh học, các đập tràn được xây dựng nhằm ngăn cách hồ và tăng hàm lượng oxy hòa tan để tăng hiệu suất của quá trình xử lý nước. Đồng thời, các nguồn nước thải đổ vào hồ được tập trung lại thành một, có lắp song chắn rác để loại bỏ rác thải thô.

Hồ kị khí tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, được thiết kế nhằm giúp các vi sinh vật kị khí hoạt động. “Vi sinh vật kị khí hoạt động không cần oxy. Chúng sử dụng oxy từ các hợp chất nitrat, sunfat để oxy hóa các chất hữu cơ thành khí mê tan và khí CO2, từ đó loại bỏ các chất hữu cơ trong phần cặn đáy của nước hồ”, Kim Thanh giới thiệu.


Mô hình và trình tự các hồ kỵ khí, hồ tùy nghi và hồ hiếu khí.

Sau đó, nước qua đập tràn sang hồ tùy nghi và thực hiện quá trình phân hủy sinh học. Dưới các điều kiện thích hợp, một khối lượng đáng kể các chất dinh dưỡng sẽ được sinh vật thủy sinh hấp thụ giúp loại bỏ các chất hữu cơ trong môi trường nước.

Cuối cùng, hồ hiếu khí có diện tích lớn nhất để oxy dễ dàng khuếch tán vào lớp nước phía trên và ánh sáng mặt trời chiếu làm tảo phát triển. Quá trình xử lý nước xảy ra nhờ hai tác nhân là vi sinh vật hiếu khí và thực vật trong hồ.

Tại đây, các dải cây chuối hoa được trồng để vừa tạo cảnh quan đẹp vừa tăng hiệu suất xử lý nước. Nước thải sau khi đi qua hệ thống ba hồ sinh học sẽ được cải thiện đáng kể, không gây ô nhiễm cho nguồn tiếp nhận.

Chờ biến ý tưởng thành hiện thực

Kim Thanh cho biết chọn đất ngập nước nhân tạo để xử lý môi trường là vì loại đất này được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xử lý nước thải ở nhiều nước trên thế giới, thân thiện với môi trường.

Đánh giá cao tính thực tế và ý nghĩa của ý tưởng này, Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng bảo vệ môi trường” đã tài trợ 45 triệu đồng để Thanh thực hiện đề tài trên.

Tuy nhiên, theo Kim Thanh, số tiền trên không đủ để biến đề tài thành hiện thực. “Mình sẵn sàng chuyển giao ý tưởng trên cho các tổ chức, đơn vị để biến ý tưởng thành hiện thực, giúp cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tạo cảnh quan đẹp”, Thanh nói.

Ý tưởng này có thể thực hiện ở nhiều hồ khác, chỉ cần thay đổi một số điểm cho phù hợp với thực tế các hồ đó. Tuy nhiên, tác giả lưu ý: “Việc vận hành mô hình đất ngập nước nhân tạo nhằm cải tạo chất lượng nước hồ công viên cần chú ý bảo dưỡng để duy trì hiệu quả xử lý tốt nhất bằng các biện pháp: nạo vét bùn định kỳ; thay thế, thu vớt thực vật trong hồ hiếu khí, tránh tình trạng khi chết đi gây bồi lấp, già hóa hồ công viên”.

Theo Báo Đất Việt
  • 1.778