Dù được công nhận là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xử lý rác bằng công nghệ nội địa hiệu quả nhưng đến nay nhà máy Thủy Phương (Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa thể phổ biến công nghệ.
Vận chuyển phân hữu cơ vi sinh đi tiêu thụ |
Hôm khánh thành nhà máy Thủy Phương, Thừa Thiên- Huế đã có những màn trình diễn ấn tượng làm nhiều nhà quản lý môi trường thở phào.
Những đống rác hỗn độn to tướng ùn ùn theo xe tải chở về, đưa vào chạy rầm rầm trên băng chuyền, chui vào mấy cái máy lắp ráp thủ công rồi bỗng phân loại ra rạch ròi nào nilon, sắt vụn.
Tiếp đó, một máy ngốn sạch nilon cho ra nào ống cống, cốp pha, hạt nhựa. Máy khác nuốt “cơm thừa canh cặn” cho ra đất mùn mịn tơi sờ mát cả tay. Vậy mà, sau hơn nửa năm hoạt động, nhà máy vẫn lận đận dù được nhiều cơ quan liên quan của địa phương và trung ương công nhận về mặt công nghệ. Những hỗ trợ hứa hẹn rầm rộ ban đầu chẳng thấy đâu.
Nhà máy rác không mùi, không ruồi
Đường dẫn vào nhà máy rác Thủy Phương (TP) xanh mướt bóng cây, giữa lòng Huế chói chang nắng mà thoang thoảng nét Đà Lạt.
Giữa một xưởng lớn chất đầy những ống cao su dài cỡ vài chục mét, một cái máy đang miệt mài nhai nilon, rồi phun ra ở đầu bên kia một ống tương tự như vậy dài chừng vô tận nếu không bị cản trở bởi bức tường. Những máy này chủ yếu do các kỹ sư cơ khí trong nhà máy tự mày mò thiết kế, chế tạo.
“Xù xì thô nhám thế nhưng chạy khỏe và bền. Máy của Pháp mới chạy mấy ngày là quằn dao, lại bị nilon quấn chặt” - Anh Vũ Vinh Phú, tác giả của rất nhiều máy “hàn xì thủ công” vừa chỉ cái gọi là máy băm, chặt, tuyển rác của Pháp sắp vứt đi, vừa nói.
Gần đấy là hàng chục bao tải đựng hạt nhựa tái chế, hạt nào hạt nấy tròn xoay xoay, đen nhánh như cà phê. Công nhân nai nịt kín như ninja huỳnh huỵch khuân các bao phân hữu cơ chất lên xe tải đem giao cho các địa phương lân cận.
“Lương mỗi tháng từ 700.000đ – 800.000đ/người, lại được ăn trưa”, một chị công nhân nhỏ nhẻ sau mảnh vải che mặt dày cộp.
Trưa nắng như thế mà chả ngửi thấy mùi gì từ những đống rác đang chờ xúc lên băng chuyền. Buổi trưa, công nhân nghỉ tay ăn trong nhà ăn tập thể cách xưởng tái chế một đoạn. Ba ngàn đồng một suất đủ cả trứng, rau cải, giá đỗ, thịt rim. Khay thức ăn nilon phủ trên nhìn sạch sẽ thơm tho. Tiệt chẳng có con ruồi nào bén mảng.
“Chưa nhà máy rác nào dám làm nhà ăn do vướng vấn đề mùi rác và ruồi”, ông Nguyễn Xuân Lăng, cố vấn kỹ thuật, tự hào nói trong khi đưa khách đi khám phá thứ “nước thánh” tẩy mùi cho rác. Đó là một nước màu xanh xanh, đựng trong bể lớn sục khí, tỏa mùi thơm mát, ngòn ngọt như xi rô!
Ông Lăng cho biết đây là bể nuôi dưỡng và nhân giống một loại vi sinh do GS Nguyễn Lân Dũng ở ĐH Quốc gia Hà Nội mang tới. “Bản gốc” của loại vi sinh này đang được các nhà sinh học ở ĐH Quốc gia Hà Nội lưu giữ và nuôi dưỡng. Rưới chế phẩm vi sinh, rác sẽ nhân phân hủy, nhanh tạo mùn và mất mùi hôi.
Làm ăn nhộn nhịp, tinh tươm thế mà ông Trần Đình Quyền, Giám đốc nhà máy, lại than vãn: “ì ạch lắm”.
Hứa rồi để đấy
- Nhà máy Thủy Phương khánh thành ngày 26/3/2005 với dây chuyền thiết bị công nghệ nội 100%. Đến nay, nhà máy tái chế rác thành các sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, mùn hữu cơ vi sinh, ống thoát nước, nọc tiêu, nọc thanh long, v.v… Phần chôn lấp chỉ chiếm dưới 10%. - Tháng 11/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường, trong đó “ưu tiên việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa chôn lấp rác”. - Hiện Nhà nước vẫn phải chi 300.000 đồng để chôn lấp và vận chuyển một tấn rác đến nơi chôn lấp. Theo đó, ngân sách quốc gia phải chi 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Tệ hơn, mới chỉ có 13/64 tỉnh thành có bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Còn lại là tự nhiên hoặc lộ thiên. Mùi hôi thối, nước rỉ rác từ những bãi chôn lấp khổng lồ lưu cữu hàng thập kỷ làm nên bài ca bất tận về ô nhiễm đất, nước, không khí. Rác cũng “nuốt” 5000 ha đất mỗi năm. |
Trong Văn bản số 1535/UBND-CN ngày 07/06/2005 gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận công nghệ An Sinh ASC của TP “là dây chuyền công nghệ phù hợp với việc xử lý rác thải chưa qua phân loại ở nước ta… cần được phổ biến áp dụng rộng rãi”, và hứa “sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tạo điều kiện cho Cty hoàn thiện công nghệ và nhân rộng mô hình…”.
Nhiều chức sắc trung ương và địa phương ký lưu niệm vào cái ống cống khổng lồ làm từ nilon tái chế hôm khánh thành nhà máy cũng hứa như vậy.
Nay, cái ống cống chi chít chữ ký vẫn dựng trước cổng nhà máy và chưa lời hứa nào thành hiện thực. Thậm chí, phí xử lý rác do tỉnh chi trả không phải 75.000đ/tấn như hứa hẹn ban đầu mà tụt xuống còn 25.000đ/tấn mà không rõ nguyên do.
Quan chức mấy thành phố lớn hồi đầu vỗ tay khen ngợi công nghệ nội sau không hiểu sao cũng “ngại” và chuyển sang mua công nghệ nước ngoài dù đắt cắt cổ. TP Hồ Chí Minh tới đây sẽ ký với tập đoàn Lemna (Mỹ) một hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá hàng chục triệu USD cho một nhà máy xử lý rác khá hoành tráng.
Thực ra, TP cũng đã ký được hàng chục hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng chỉ với các địa phương nhỏ bé như Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Hưng Yên, v.v…, Tất cả nhờ tự chào hàng hoặc các địa phương nghe danh tìm tới.
Cũng tự TP tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà khoa học hàng đầu như GS Nguyễn Lân Dũng – Tổng thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam, GS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàng không Vũ trụ Cộng hòa Liên bang Nga, v.v… Họ bỏ tiền túi ra “nghiên cứu với nhau”.
“Cứ làm bán thủ công, manh mún như hiện nay, phải chục năm nữa một doanh nghiệp tư nhân như TP mới bứt phá lên được. Giá được quan tâm đầu tư, hỗ trợ về tín dụng, về thuế, về ngân sách từ Nhà nước, chắc không mướt mồ hôi thế này để đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị” - GS Lân Dũng tiếc rẻ.
Mỹ Hằng