Xuất hiện sinh vật 2,1 tỉ năm tuổi viết lại lịch sử sự sống Trái đất

  •  
  • 209

Một loạt sinh vật hóa thạch quái dị ngoài khơi châu Phi cho thấy sự sống phức tạp trên Trái đất già hơn tận 1,5 tỉ tuổi so với chúng ta từng nghĩ.

Một phân tích mới về đá trầm tích biển ở lưu vực Franceville ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi được lắng đọng cách đây khoảng 2,1 tỉ năm đã tiết lộ một thế giới sự sống cổ đại "không thể tin nổi".

Một trong các mẫu hóa thạch 2,1 tỉ tuổi vừa được khai quật và hình ảnh tái hiện (phải)
Một trong các mẫu hóa thạch 2,1 tỉ tuổi vừa được khai quật và hình ảnh tái hiện (phải) - (Ảnh: Abderrazzak El Albani).

Trước đó, quan điểm được đồng thuận chung là động vật phức tạp lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng 635 triệu năm trước.

Tuy nhiên, các mẫu đá ngoài khơi châu Phi nói trên đã ẩn giấu những sinh vật có cấu trúc phức tạp, đồng thời cung cấp lý do để chúng có thể hiện diện trên một hành tinh tưởng chừng vẫn rất khó sống vào thời điểm 2,1 tỉ năm trước.

Các mẫu đá này cho thấy lượng phốt pho và oxy tăng lên trong nước biển, một điều hoàn toàn ngoài dự đoán.

Nhà khoa học Trái đất Ernest Chi Fru từ Đại học Cardiff (Anh) giải thích: "Chúng ta đã biết sự gia tăng nồng độ phốt pho trong biển và oxy trong nước biển có liên quan đến một giai đoạn tiến hóa sinh học khoảng 635 triệu năm trước. Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm một sự kiện khác sớm hơn nhiều".

Sự kiện đó diễn ra tận 2,1 tỉ năm, đã thúc đẩy một số sinh vật đạt được bước tiến hóa nhảy vọt.

Đó chính là một số lượng lớn hóa thạch lớn đến mức có thể nhìn thấy mà không cần kính hiển vi được phát hiện ở lưu vực Franceville.

Hệ sinh thái kỳ diệu 2,1 tỉ năm trước ở khu vực ngoài khơi châu Phi ngày nay
Hệ sinh thái kỳ diệu 2,1 tỉ năm trước ở khu vực ngoài khơi châu Phi ngày nay - (Ảnh đồ họa: Abderrazzak El Albani).

Trước đây, người ta tin rằng các dạng sống trước mốc 635 triệu năm trước đều chỉ là vi sinh vật đơn giản.

Phần lịch sử "bị mất tích" của hệ sinh vật Trái đất đã được viết lại: Ngoài khơi châu Phi 2,1 tỉ năm trước sự giàu chất dinh dưỡng của nước kết hợp với sự va chạm của hai lục địa cổ đại tạo ra một vùng biển nội địa nông cực tốt cho sự sống dù bị cô lập với đại dương toàn cầu.

Điều này đã thúc đẩy một quy trình hóa học thuận lợi cho tất cả các loài trong vùng nước đó biến đổi phức tạp về mặt sinh học.

Chúng tiến hóa nhảy vọt về kích thước và cấu trúc, kết quả là loạt sinh vật với hình dạng kỳ lạ mà các nhà khoa học được khai quật.

Tuy nhiên, chính sự cô lập giúp tạo ra vùng biển hấp dẫn này lại khiến hệ sinh thái phát triển cực sớm này không thể lan rộng hoặc sống sót để chờ đợi một cơ hội nhảy vọt tiến hóa tiếp theo.

Nói cách khác, hành tinh của chúng ta đã để lỡ mất 1,5 tỉ năm tiến hóa một cách đáng tiếc.

Nếu các sinh vật nói trên không bị cô lập, có thể địa cầu ngày nay thống trị bởi một loài nào khác còn cao cấp hơn chúng ta.

Những phát hiện này có thể chỉ ra sự sống phức tạp trên Trái đất tiến hóa theo hai bước riêng lẻ: Bước đầu tiên là sau lần tăng oxy trong khí quyển lớn đầu tiên cách đây 2,1 tỉ năm và bước thứ hai là sau lần tăng thứ hai 1,5 tỉ năm sau đó.

Rất may hệ sinh thái của lần thứ hai đã gặp may và tiến hóa, phát triển cho đến ngày nay.

Nghiên cứu thú vị này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Precambrian Research.

Cập nhật: 02/08/2024 NLĐ
  • 209