Y học hiện đại: Viễn tưởng đang trở thành hiện thực

  •   3,73
  • 2.673

15 năm trước, ai có thể nghĩ đến những chiếc máy quét (scanner) cho phép bác sĩ “nhìn” thấu nội tạng trong cơ thể người bệnh… Ngày nay, có nhiều chuyện tưởng chừng viễn tưởng lại đang trở thành hiện thực.

Trong các bộ môn khoa học, y học dường như được cưng chiều hơn cả. Chẳng có gì lạ vì nhiệm vụ của nó là chăm sóc cho sự sống của chính con người. Các ngành khoa học khác cứ “xúm xít” quanh y học để phục vụ. Bởi thế, các thành tựu nghiên cứu thường được áp dụng trong y học trước tiên để điều chế dược phẩm, chế tạo các “phụ tùng” thay thế các cơ quan nội tạng, cấy chip điện tử vào người để theo dõi diễn biến sức khoẻ…

Chính vì vậy, y học là mảnh đất màu mỡ cho mọi sự tưởng tượng. Những gì hôm qua bị xem là hư cấu đơn thuần thì hôm nay đã là hiện thực của những người mặc áo blouse trắng. 

Máy tim - phổi dùng thay thế chức năng của tim, phổi cho người bệnh trong trường hợp cấp cứu (Ảnh: www.nhlbi.nih.gov)


Biến chuyện viễn tưởng thành hiện thực…

Cách đây chừng 15 năm, chẳng ai nghĩ rằng những chiếc máy quét (scanner), chụp cộng hưởng từ, cắt lớp cho phép các bác sĩ “nhìn” rất rõ vào bên trong cơ thể người bệnh từ những tấm ảnh ba chiều, màu sắc như thật để “gọi” ra bệnh ngay cả khi chúng chưa hề có triệu chứng thể hiện.

Tiến xa hơn nữa, sau khi giải mã được tấm bản đồ gen người, những nhà di truyền học đang lao vào xác định gen nào chịu trách nhiệm gì, từ đó lập ra một “lá số tử vi sức khỏe” cho từng người để chương trình hoá cho mỗi cuộc đời.

Các nhà giải phẫu có bàn tay vàng xưa kia chắc không ngờ “con dao laser” kỳ diệu tiến hành các vi phẫu thuật trên những diện tích rất nhỏ, có thể bằng đầu mũi kim, khoét đi những khối u ác tính chớm hình thành mà chưa kịp lan rộng. 

Liệu pháp gen. (Ảnh minh hoạ từ www.em1.molmed.uni-erlangen.de)


Hồi đó, nhất định họ không nghĩ rằng thế hệ sau lại có khả năng thực hiện rất thành công những ca mổ nội soi bằng cách nhìn qua màn hình tinh thể lỏng, hoặc thông qua robot để thực hiện các ca giải phẫu phức tạp ở một địa điểm cách xa mình nửa vòng Trái đất.

Hơn nửa thế kỷ qua, bàn tay kỳ diệu của y học đã có thể ghép gần như bất kỳ cơ quan nội tạng nào, nhưng chỉ gần đây mới có những thành công trong việc ghép tạng súc vật cho người. Đáng kể nhất là cách đây chừng một năm, một tin làm chấn động giới y học: tập thể các bác sĩ Pháp ghép được cả bộ mặt người vừa mất vì tai nạn cho cô Isabelle Dinoire bị chó dữ cắn nát mặt.

Trị liệu gen mở ra một hướng hoàn toàn mới: khi đã phát hiện các gen gây bệnh, loại bỏ bằng “chiếc kéo sinh học” rồi thay thế vào đó những gen bình thường và bệnh “tự nhiên mất tích”, tiêm “thuốc-gen” vào các tế bào bị tổn thương để sửa chữa.

Trong khi đó, điện tử học là “bạn ruột” của các bệnh liên quan đến thần kinh. Các chip điện tử đang được nghiên cứu để thay thế các tế bào thần kinh tại khu vực não phụ trách trí nhớ, tuy chip não chẳng phải chuyện lạ lẫm gì. Hiện ở Mỹ có 30.000 người đã được cấy chip não để khống chế bệnh Parkinson, 60.000 người điếc nghe được bằng thiết bị kích âm “cấy” trong lỗ tai, 190.000 bệnh nhân đang được gắn điện cực trong đầu để kiểm soát chứng liệt rung. Một thiết bị điện tử khác được các nhà khoa học bang Indiana phát triển giúp bệnh nhân bại liệt đi đứng bình thường. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu các bộ vi xử lý mạnh hơn và nhỏ hơn, những thiết bị cấy ghép sẽ tạo ra một cuộc cách mạng vũ bão trong y học.

Những nhà tương lai học đã mạnh dạn tiên đoán rằng, trong tương lai rất gần, các tiến bộ y học có thể can thiệp bất kỳ nguy cơ nào đe dọa tính mạng con người.

… Những chuyện viễn tưởng sắp thành hiện thực

Khó mà phân biệt rạch ròi những gì là viễn tưởng và những gì là hiện thực, bởi thời gian để một điều tưởng như hư cấu trở thành thực tế đã trở nên quá ngắn ngủi. Để dễ hình dung, xin mời các bạn hãy nhìn vào cơ thể một con người được “điện tử hoá” để biết những gì đang được âm thầm thực hiện trong phòng thí nghiệm, đang hoặc sẽ là “chuyện thường ngày”.

- Kính biết nhớ: Dùng cho những người bị bệnh lú lẫn, mất trí nhớ Alzheimer, mà ở tuổi già, đa số đều mắc. Kính kết nối với một kho dữ liệu chứa các bộ mặt quen thuộc của bệnh nhân. Khi một nét mặt xuất hiện trong tầm nhìn, lập tức kính đối chiếu rồi thì thầm vào tai tên người đó.

- Võng mạc nhân tạo: Bệnh nhân mang một camera nối với một cặp kính. Camera này chuyển hình ảnh thành những tia để gửi đến võng mạc nhân tạo - một chú rệp điện tử tí hon ghép vào đáy mắt, biến các tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu thần kinh. 

Da nhân tạo hiện đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Fraunhofer-Gesellschaft/Sciencedaily)


- Băng dính thông minh: Được trang bị bằng các capteur (thu nhận và phân tích tín hiệu), một đoạn băng dính thông minh dán trên da có thể phát hiện các chất gây nhiễm trùng trên bề mặt da, và lập tức nó biến thành một dòng điện với những đặc trưng nhất định gửi đến chiếc mày vi tính. Máy sẽ so sánh dòng điện với các dữ liệu cài trong bộ nhớ, xác định tên tuổi của nó và chủ động báo cho bác sĩ chăm sóc sức khoẻ của bạn, rằng bạn đang bị một kẻ thù chuẩn bị tấn công.

- Lưỡi điện tử: Cái “lưỡi” lạ lùng này thể hiện dưới dạng một viên thuốc đặt trên lưỡi bạn, về thực chất là một “capteur hoá học”. Nó tạo khả năng cảm thụ vị ngon của các món ăn, đặc biệt hữu dụng cho những người chán ăn, mất cảm giác ngon miệng và trẻ em lười ăn nên chậm lớn.

- Ghép tạng động vật
: Tạng những con vật có sự tương đồng về hệ gen với con người như khỉ và lợn có thể thay thế rất thành công cho những bệnh nhân có các cơ phận bị “hỏng hóc” đến mức không “sửa chữa” được nữa. Có điều còn phải tìm cách khắc phục vấn đề truyền nhiễm các bệnh tật từ súc vật sang người.

- Làn da kết cấu lại: Chỉ cần 1cm2 da người, các nhà khoa học có thể nuôi thành 1m2 da mới không bị cơ thể đào thải. Đây quả là một bước ngoặt trong việc điều trị những người bị bỏng nặng, trả lại làn da như trước khi bị tai nạn.

- Hồng cầu nhân tạo: Những thí nghiệm đầu tiên sản xuất hồng cầu từ… cây thuốc lá chuyển gen mở ra một triển vọng mới cho ngành huyết học và cung cấp máu cho những người bị thương. Máu người để tiếp cho các bệnh nhân cấp cứu hầu như luôn luôn thiếu ở tất cả các bệnh viện cũng như ngân hàng máu.

- "Hàn" sinh học: Vĩnh biệt chỉ khâu. Các nhà phẫu thuật từ nay có khả năng “hàn” mép các vết thương nhờ chùm tia laser. Kỹ thuật này trước hết được dùng trong phẫu thuật tim mạch và đường tiết niệu. Các thầy thuốc hướng tia laser qua chiếc camera nội chẩn và “hàn” từ xa. Trong khi đó, với những vết thương nhỏ, các bác sĩ lại dùng “keo” làm từ chính các mô của người bệnh.

- Khớp gối và khớp háng: Trước đây các đoạn xương giả làm bằng titan và các kim loại khác sẽ dần được thay thế bằng các “đồng nghiệp” gốm sứ, tuổi thọ cao hơn nhiều. Một tin vui cho các vận động viên thể thao, nhất là các cầu thủ, những người dễ bị chấn thương về xương.

Theo VietNamNet
  • 3,73
  • 2.673