Rắn đuôi nhện săn mồi hiệu quả nhờ ngụy trang khéo léo và vẫy chóp đuôi, bộ phận trông rất giống nhện, để dụ chim bay đến.
Rắn đuôi nhện vẫy đuôi để thu hút chim. (Video: SciNews).
Rắn đuôi nhện (Pseudocerastes urarachnoides), phân bố chủ yếu ở Iran và Iraq, dụ mồi chỉ bằng cách vẫy đuôi, mọi bộ phận khác đều không chuyển động. Chỉ với vài động tác lắc đuôi, chúng có thể khiến chóp đuôi của mình trông giống một con nhện đang bò. "Con nhện" này trông rất chân thật, kể cả với một người đã được cảnh báo trước, Science Alert hôm 8/1 đưa tin.
Thực tế, "con nhện" ở chóp đuôi rắn là một khối mô có nhiều tua dài hai bên. Lúc không hoạt động, trông nó có vẻ vô hại. Tuy nhiên, nó có thể sống dậy trong tích tắc. Hiệu ứng bắt chước nhện càng trở nên mạnh hơn nếu xét đến khả năng ẩn mình của rắn: Phần cơ thể còn lại của rắn hòa trộn một cách hoàn hảo với môi trường đất đá xung quanh.
Với khả năng ngụy trang tài tình, rắn đuôi nhện gần như vô hình trước những con chim đang tìm kiếm thức ăn. Chúng lầm tưởng đuôi rắn là nhện thật và lao xuống vồ, không biết rằng mình đã mắc bẫy và sắp trở thành bữa ăn ngon cho rắn.
Rắn đuôi nhện dành trung bình khoảng 1/3 thời gian để vẫy đuôi ở những địa điểm phục kích quan trọng.
Rắn đuôi nhện có một trong những kiểu trang trí đuôi phức tạp nhất từng ghi nhận trong số các loài rắn. Nhưng trước đây, sinh vật bí ẩn này đã "trốn" được khỏi tầm quan sát của các nhà khoa học suốt nhiều thập kỷ. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago đã lưu giữ một mẫu vật duy nhất được bảo quản suốt 35 năm.
Phần đuôi của mẫu vật rất khác thường nhưng các nhà khoa học khi đó không thể chắc chắn đây là loài rắn mới hay chỉ là một dị tật. Chóp đuôi kỳ lạ cũng có thể là một khối u hoặc kết quả của một loại ký sinh trùng.
Chỉ đến năm 2003, các chuyên gia mới tìm thấy một con rắn khác cùng loại và xác nhận đó là một loài hoàn toàn mới. Nhưng khi đó, họ vẫn biết rất ít về hành vi của chúng trong tự nhiên. Xác chim được tìm thấy trong bụng của một số mẫu vật, nhưng họ không rõ rắn bắt con mồi bay cao như vậy bằng cách nào.
Sau nhiều năm quan sát rắn đuôi nhện ngoài môi trường sống tự nhiên, các nhà khoa học Iran đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 2015. Nhóm chuyên gia phát hiện, rắn đuôi nhện dành trung bình khoảng 1/3 thời gian để vẫy đuôi ở những địa điểm phục kích quan trọng. Khi một con chim lọt vào tầm ngắm, cường độ vẫy đuôi tăng lên khoảng 4 lần.
Một số loài rắn khác cũng sử dụng chiến thuật đuôi tương tự khi đi săn, nhưng cách rắn đuôi nhện làm giả nhện đặc biệt tinh xảo. Theo dữ liệu ban đầu, chiến thuật của chúng hiệu quả nhất khi áp dụng cho các loài chim di cư, vốn không quen với những rủi ro khi bắt nhện ở vùng núi.