Nơi an nghỉ của khí cầu lớn nhất thế giới

  •  
  • 2.031

Những gì còn lại của khinh khí cầu lớn nhất thế giới Hindenburg đang được lưu giữ tại một nhà chứa máy bay khổng lồ gần thủ đô Rio de Janeiro, Brazil.

Kích thước khổng lồ của Hindenburg
Kích thước khổng lồ của Hindenburg. (Đồ họa: Guardian)

Lần cuối cùng một biểu tượng swastika (chữ thập ngoặc) của Đức Quốc xã bay trên bầu trời Mỹ là khi nó được gắn trên một khinh khí cầu thương mại đầu tiên bay qua Đại Tây Dương vào năm 1937, theo Guardian.

Biểu tượng của Đức Quốc xã đã được trang trí trên hai phần đuôi của khí cầu – cho tới nay vẫn là thiết bị bay có kích thước lớn nhất được tạo ra, nhằm mục đích gây ấn tượng với thế giới về các tham vọng của phát xít. Nó được sơn lên sau khi Hitler nắm quyền, theo Jürgen Bleibler, chuyên viên của bảo tàng Zeppelin tại Friedrichshafen, Đức.

"Từ năm 1933 trở đi, Đức Quốc xã đã chi rất nhiều tiền vào các chương trình về khí cầu, đặc biệt là cho khí cầu mang tên Hindenburg. Đổi lại họ được sử dụng khí cầu để tuyên truyền. Tại Đức, các khinh khí cầu đã bay trên sân vận động Olympic Berlin và đại hội Nuremberg. Tại Brazil, họ hy vọng sẽ thu hút nhiều người nhập cư từ Đức và đưa họ đến gần hơn với tổ quốc", ông nói.

Với kích thước tương đương con tàu Titanic, dài gấp ba lần chiều dài một sân bóng đá và vượt xa hoàn toàn máy bay hiện đại ngày nay, Hindenburg có thể bay từ Frankfurt (Đức) đến New Jersey (Mỹ), hoặc bay giữa Recife và Rio de Janeiro (Brazil), với mục tiêu phục vụ du lịch và kinh doanh, nhưng lại có kết thúc bi thảm.

Hindenburg được chế tạo tại Oberhausen, Đức, sau đó được vận chuyển từng phần qua Đại Tây Dương sang Brazil và lắp ráp lại bởi các kỹ sư người Anh.

Lý do Brazil được lựa chọn cho các chuyến bay thương mại xuyên Đại Tây Dương lần đầu tiên do thời tiết ở đây ôn hòa hơn các đường bay tại Mỹ. Công chúng ở đây cũng được cho là rất phấn khích vì đã nồng nhiệt chào đón Hindenburg trong suốt chuyến đi vòng quanh thế giới bằng đường biển vào năm 1929, vài năm trước khi Hitler chính thức nắm quyền.

Khinh khí cầu lớn nhất thế giới chỉ ngừng hoạt động sau thảm họa tại New Jersey tháng 5/1937
Khinh khí cầu lớn nhất thế giới chỉ ngừng hoạt động sau thảm họa tại New Jersey tháng 5/1937. (Ảnh: History)

Lộ trình bay đầu tiên là giữa Frankfurt và Recife, nhưng sau đó được mở rộng ra tới Rio. Tốc độ của khí cầu lúc đó là 96 km/h, quá chậm so với ngày nay, nhưng nhanh hơn mọi phương tiện di chuyển trên đại dương khác vào thời đó.

Hành khách trên khí cầu cũng được phục vụ các dịch vụ xa xỉ với khoang có giường nằm, đàn dương cầm, phòng ăn và một khu vực tường kính cho phép ngắm cảnh phía dưới từ độ cao hơn 1.000 mét.

Tuy nhiên Hindenburg chỉ hoạt động được trong vòng 6 tháng, tới tháng 5/1937, trước khi một thảm họa xảy ra, đốt cháy 200.000 mét khối khí hydro trong khí cầu làm cho 36 người thiệt mạng tại Lakehurst, New Jersey, Mỹ.

Cho tới tận khi đó, khinh khí cầu vẫn được coi là một biểu tượng của tương lai. Những người dân Rio còn sống tới nay vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi nghe tiếng động của phương tiện vận tải khổng lồ này phát ra trên bãi biển Copacabana.

José dos Santos, mới chỉ 9 tuổi vào năm 1937, có anh làm việc trong nhà chứa khí cầu, cho biết nó rất lớn, trông giống như "quái vật". Ông đã lẻn vào bên trong cabin của Hindenburg, trở thành một trong những người còn sống cuối cùng có cơ hội chiêm ngưỡng bên trong khí cầu.

Bên trong phần còn lại của Hindenburg ngày nay.
Bên trong phần còn lại của Hindenburg ngày nay. (Ảnh: Guardian)

Hiện Santos đã 89 tuổi, đang làm nhân viên bán hàng tại nhà chứa máy bay, vẫn tỏ ra hào hứng khi nhắc tới các kỷ niệm với Hindenburg.

Ngành kinh doanh khinh khí cầu sau thảm họa này đã bị cắt giảm và tiếp đó chấm dứt hoàn toàn bởi chiến tranh. Ngày nay, phần còn lại của khí cầu Hindenburg được sử dụng để tổ chức tiệc nướng hoặc đám cưới tập thể ở gần Rio de Janeiro. Đến cuối tháng 11/2016, đã có 800 cặp đôi làm đám cưới tại đây.

Cập nhật: 03/12/2016 Theo VnExpress
  • 2.031