10 năm trôi qua kể từ ngày MH370 biến mất, nhiều nỗ lực tìm kiếm và giả thuyết được đưa ra, nhưng chưa ai có thể trả lời câu hỏi: Máy bay đang ở đâu?
Ngay sau nửa đêm ngày 8/3/2014, một chiếc Boeing 777 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, và dần đạt độ cao hành trình 10.600m. Sau khi được hướng dẫn chuyển tần số đài kiểm soát không lưu, phi công trả lời một cách lịch sự thường thấy trong các cuộc trao đổi với nhân viên kiểm lưu: "Chúc ngủ ngon, đây là Malaysia 370". Đó là tin nhắn cuối cùng được phát đi từ chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Sau khi phi cơ chở 239 người chệch khỏi lộ trình trong chuyến bay thường lệ đến Bắc Kinh rồi biến mất trên Ấn Độ Dương, một chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia quy mô và tốn kém bậc nhất lịch sử đã được thực hiện, nhưng 10 năm sau, bí ẩn lớn nhất ngành hàng không vẫn chưa có lời giải đáp.
Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 trong sự kiện tưởng niệm 10 năm máy bay mất tích tại trung tâm thương mại ở Subang Jaya, ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/3. (Ảnh: AFP).
Dữ liệu radar do quân đội Malaysia ghi lại cho thấy khi vào vịnh Thái Lan, MH370 tăng độ cao lên tới 13.700m, cao hơn trần bay được phép, rồi đổi hướng đột ngột sang phía tây, do tác động của ai đó trong buồng lái.
Sau đó, máy bay hạ độ cao xuống 7.000m, dưới mức bay thông thường, khi nó tiến gần đảo Penang, một trong những đảo lớn nhất Malaysia. Tại đó, các quan chức tin rằng máy bay lại tăng độ cao khi chuyển hướng, bay theo hướng tây bắc về phía Ấn Độ Dương.
Đến ngày 24/3/2014, dựa trên phân tích tín hiệu vệ tinh Inmarsat, chính phủ Malaysia tuyên bố MH370 đã bay lệch hàng nghìn km khỏi lộ trình định sẵn, về phía nam Ấn Độ Dương. Hành trình của nó kết thúc ở tây thành phố Perth của Australia và không còn ai trên khoang sống sót.
Nhưng KS Narendran không thể chấp nhận việc vợ mình, Chandrika, như thể tan biến vào cõi hư không. "Tôi lo lắng rằng nếu chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay, thảm kịch sẽ tái diễn", anh nói.
Làm thế nào một chiếc Boeing 777 hiện đại, được trang bị các thiết bị tinh vi giữa kỷ nguyên theo dõi vệ tinh toàn cầu và liên lạc liên tục, lại có thể biến mất không dấu vết? Đây là câu hỏi đến nay vẫn ám ảnh tất cả những ai sợ bay và cả những người bình thường.
Hành trình và những lần liên lạc cuối cùng của MH370. (Video: CNN).
"Mỗi ngày kỷ niệm trôi qua, nỗi đau mất mát của tôi lại vơi bớt, nhưng khúc mắc về việc chưa có câu trả lời cho những gì thực sự đã xảy ra với chuyến bay lại lớn dần lên", Narendran cho hay. "Biết được nơi chuyến bay kết thúc và điều gì đã dẫn đến tai nạn, dù dưới bất kỳ hình thức nào, vẫn rất quan trọng. Đó là câu hỏi thỉnh thoảng vẫn nảy ra trong đầu tôi với cảm giác bối rối, thậm chí thất vọng. Có lẽ cả đời tôi cũng không bao giờ biết được".
Niềm khao khát được biết câu trả lời cũng âm ỉ cháy trong gia đình của những phi công điều khiển chuyến bay định mệnh, khi vô số cáo buộc và thuyết âm mưu được đưa ra suốt 10 năm qua.
Giai đoạn đầu tiên của cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích kéo dài 52 ngày và được tiến hành chủ yếu từ trên không, với 334 chuyến bay lùng sục trên vùng biển rộng hơn 4,4 triệu km2. Nhiều phương án, khu vực tìm kiếm đã được thay đổi, nhưng lực lượng đa quốc gia vẫn không thể tìm thấy dấu vết nào, dù huy động những thiết bị hiện đại nhất.
Tháng 1/2017, chính phủ Australia, Malaysia và Trung Quốc quyết định ngừng chiến dịch tìm kiếm máy bay sau khi rà soát hơn 119.000 km2 nơi đáy Ấn Độ Dương. Nỗ lực này tiêu tốn 150 triệu USD, nhưng không mang lại kết quả nào.
Tháng 1/2018, dưới áp lực từ gia đình các hành khách và thành viên phi hành đoàn, chính phủ Malaysia bắt đầu một cuộc tìm kiếm khác, hợp tác cùng công ty Ocean Infinity, Mỹ. Sau vài tháng, chiến dịch do Ocean Infinity dẫn đầu kết thúc mà không tìm thấy bằng chứng nào về tung tích của chiếc máy bay.
Nhà chức trách vẫn chưa tìm thấy thân máy bay, nhưng khoảng 20 mảnh vỡ được cho là của chiếc phi cơ đã được phát hiện dọc bờ biển lục địa châu Phi hay trên các đảo Madagascar, Mauritius, Réunion và Rodrigues.
Mùa hè năm 2015, các nhà điều tra xác định rằng một vật thể lớn dạt vào bờ biển hòn đảo Réunion của Pháp ở Ấn Độ Dương là phần cánh phụ thuộc về máy bay Boeing 777, nên có khả năng đó là mảnh vỡ MH370.
Mảnh vỡ khác hình tam giác làm bằng sợi thủy tinh và nhôm có dòng chữ "Không bước lên" được tìm thấy vào tháng 2/2016 trên một bãi cát vắng bóng người dọc bờ biển Mozambique.
Sau đó, vào tháng 9/2016, chính phủ Australia xác nhận rằng mảnh cánh máy bay dạt vào đảo Tanzania, Đông Phi, là của chuyến bay MH370. Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia đã khớp số nhận dạng của nó với chiếc Boeing 777 mất tích.
Có vô số giả thuyết đã được đưa ra về nguyên nhân khiến chiếc máy bay biến mất. Việc thiếu thông tin về những gì đã xảy ra với chuyến bay đã khiến dư luận và các nhà điều tra đi theo nhiều hướng khác nhau.
Một số quan chức tin rằng máy bay hết nhiên liệu và phi công đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp nó trên biển. Những người khác tin phi công cố ý lao máy bay xuống biển hoặc máy bay đã bị không tặc khống chế.
Giả thuyết phi công cố ý điều khiển máy bay chệch hướng rộ lên sau khi dữ liệu phục hồi từ thiết bị mô phỏng chuyến bay tại nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shahcho thấy ông đã lên kế hoạch cho một lộ trình bay tới phía nam Ấn Độ Dương.
Bức ảnh không rõ ngày tháng của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. (Ảnh: Reuters).
Fuad Sharuji, người từng là giám đốc xử lý khủng hoảng của hãng hàng không Malaysia Airlines vào thời điểm MH370 mất tích, cho hay những giả thuyết như vậy đã khiến gia đình cơ trưởng Zaharie khốn đốn. Họ ngày càng bị cô lập khi đấu tranh với những thuyết âm mưu liên quan đến ông.
"Mọi thứ thật khó khăn với họ. Họ đã tránh xa giới truyền thông vì không thể chấp nhận những lời buộc tội... Họ đang cố gắng hết sức để tiếp tục cuộc sống", Sharuji nói.
Tiến sĩ Ghouse Mohd Noor, một người bạn của cơ trưởng Zaharie, cho biết gia đình phi công này vẫn hy vọng vào ngày tìm ra câu trả lời. "Chưa có kết luận nào cả. Phải có lời giải thích về những gì đã diễn ra", ông nói. "Vợ và các con của anh ấy vẫn ngóng chờ. Câu hỏi lớn vẫn chưa được giải đáp. Mọi người đều cần một kết luận. Tôi ngày đêm cầu nguyện họ sẽ tìm thấy chiếc máy bay".
Một giả thuyết khác mà các chuyên gia hàng không tin rằng có khả năng xảy ra nhiều hơn là phi công đã phạm sai lầm chứ không cố ý lao máy bay xuống biển. Zaharie có thể gặp phải vấn đề như hỏa hoạn hoặc giảm áp trên khoang và muốn đưa máy bay quay trở lại Malaysia, nhưng bị mất ý thức do khói hoặc thiếu oxy.
Trong lúc hỗn loạn, Zaharie hoặc cơ phó có thể vô tình tắt thiết bị liên lạc. Chiếc máy bay sau đó tiếp tục thực hiện cái được gọi là "hành trình ma", khi những người trên khoang đã tử vong, nhưng phi cơ vẫn tiếp tục di chuyển ở chế độ lái tự động cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu.
Sau hơn 4 năm tìm kiếm và điều tra, một báo cáo dài 495 trang được công bố năm 2018 không đưa ra câu trả lời thuyết phục nào về số phận của chiếc phi cơ.
Kok Soo Chon, người đứng đầu nhóm điều tra, cho biết các bằng chứng hiện tại, trong đó có việc phi cơ bay lệch hướng ban đầu quá nhiều và bị tắt bộ phát đáp, chỉ ra rằng có hành động "can thiệp bất hợp pháp" diễn ra. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ai đã can thiệp hoặc tại sao.
Báo cáo cũng rà soát thông tin tất cả hành khách và cơ trưởng Zaharie cùng cơ phó Fariq Abdul Hamid, như tình trạng tài chính, sức khỏe, giọng nói trên radio và thậm chí cả dáng đi của họ khi đi làm ngày hôm đó. Không có bất thường nào được phát hiện.
Giờ đây, một cuộc tìm kiếm mới có thể sắp diễn ra.
Giới chức Malaysia tuần qua cho biết chính phủ sẵn sàng thảo luận về một chiến dịch tìm kiếm mới, khi Ocean Infinity tuyên bố đã tìm thấy những "bằng chứng mới" về dấu vết của MH370 dựa trên các công nghệ hiện đại hơn, dù không nêu chi tiết.
"Cuộc tìm kiếm này được cho là nhiệm vụ thách thức nhất nhưng thực sự cần thiết nhất hiện nay", Oliver Plunkett, giám đốc điều hành Ocean Infinity, nói. "Chúng tôi đang làm việc với nhiều chuyên gia, một số bên ngoài Ocean Infinity, để tiếp tục phân tích dữ liệu với hy vọng thu hẹp diện tích tìm kiếm xuống một khu vực có khả năng đạt được thành công cao hơn".
Sylvia Spruck Wrigley, tác giả ba cuốn sách về vụ mất tích của MH370, cho hay mặc dù sự việc có thể mãi mãi là bí ẩn, ngành hàng không thế giới đã học được rất nhiều từ thảm kịch và thực hiện các biện pháp mới nhằm đảm bảo an toàn hơn.
Người dân xem mảnh vỡ được cho là của máy bay MH370 tại sự kiện tưởng niệm 10 năm vụ mất tích ở Subang Jaya, Malaysia, ngày 3/3. (Ảnh: Reuters).
Châu Âu và Anh đã yêu cầu gắn thêm một đèn hiệu định vị dưới nước tần số thấp vào máy bay, giúp các đội tìm kiếm và cứu nạn xác định vị trí những người sống sót trên biển. Được gắn vào khung máy bay, chúng cần có khả năng truyền tín hiệu trong ít nhất 90 ngày, gấp ba lần so với quy định trước đây. Ngoài ra, thiết bị ghi âm buồng lái được yêu cầu phải lưu giữ tối thiểu 25 giờ dữ liệu, thay vì chỉ hai giờ.
Tuy nhiên, sau 10 năm với những câu hỏi chưa được giải đáp, các giả thuyết vẫn tiếp tục nở rộ trên mạng để lấp đầy khoảng trống thông tin. "Dường như mọi người không thể tưởng tượng được rằng có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra", Spruck Wrigley nói.