18/11/1926 - George Bernard Shaw từ chối nhận tiền thưởng của giải Nobel

  •  
  • 852

Ròng rã trong 9 năm đầu khởi nghiệp, Shaw chỉ nhận được 30 USD nhuận bút!

18/11/1926 - George Bernard Shaw từ chối nhận tiền thưởng của giải Nobel lúc nghèo khó

George Bernard Shaw (26/7/1856 - 2/11/1950) là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland là "cha đẻ" của kịch ý niệm hiện đại, "một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất trong thời đại". Ông còn là một nhà hoạt động chính trị thành công, người đấu tranh cho bình đẳng nam nữ và công bằng xã hội. Cho đến nay, ông là người duy nhất trên thế giới được nhận hai giải thưởng cao quý: giải Nobel Văn học (năm 1925) và giải Oscar (năm 1938).

18/11/1926 - George Bernard Shaw từ chối nhận tiền thưởng của giải Nobel

Mặc dù vậy, ông là một trong số ít người dám lên tiếng từ chối không nhận tiền thưởng từ hội đồng trao giải Thụy Điển vào ngày 18/11/1926 vì ông thấm thía nỗi cơ cực vì túng thiếu của người cầm bút khi mới khởi nghiệp, ông đã dùng tất cả số tiền 35.000 USD của giải Nobel năm ấy để thành lập "Quỹ văn học dành cho tác giả viết kịch". Ông cũng là một trong số không ít những nhà văn trở nên giàu có từ chính nghề viết. Thậm chí khi từ chối nhận tiền, Shaw còn phát biểu một câu nói cực kỳ nổi tiếng: "Tôi có thể tha thứ cho Alfred Nobel cho việc ông đã phát minh ra thuốc nổ nhưng chỉ có quỷ dữ mới có thể nghĩ ra giải Nobel".

George Bernard Shaw sinh ở Dublin, là con thứ ba của George Carr Shaw (1814 - 1885) và Lucinda Elizabeth Shaw (1830 – 1913). Cha trước làm công chức sau chuyển sang buôn ngũ cốc bị thua lỗ trở thành người nghiện rượu, mẹ là ca sĩ chuyên nghiệp, chị gái của Lucinda Frances (1853 - 1920) - một nữ ca sĩ opera nổi tiếng. Lúc nhỏ Shaw học kém nhưng lại có khiếu về âm nhạc, sớm hiểu và yêu thích tác phẩm của các nhạc sĩ danh tiếng, học thêm về hội họa ở Dublin. Lúc 15 tuổi ông làm nhân viên tập sự, thủ quỹ cho một hãng bất động sản.

Năm 1876, ông theo mẹ và hai chị đến London sinh sống, viết các bài phê bình âm nhạc cho các báo để kiếm tiền, tự học, quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 1884 ông tham gia thành lập Hội Fabian (Fabian Society) - tổ chức của các trí thức Anh chủ trương quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường hòa bình. Thời kì từ năm 1879 đến năm 1883, Shaw viết tiểu thuyết đầu tay Immaturity (Non nớt) và 5 tác phẩm khác nhưng chưa được in; cuốn An Unsocial Socialist (Một người xã hội chủ nghĩa phi xã hội, 1884) là tiểu thuyết đầu tiên được in năm 1887. Shaw được coi là cha đẻ của "kịch ý niệm", ông bắt đầu sáng tác kịch từ năm 1885, nhưng bắt đầu nổi tiếng với vở Widowers' Houses (Những ngôi nhà của những người góa vợ, 1892). Đến năm 1903, kịch của ông chiếm lĩnh sân khấu Mỹ, Đức; năm 1904 chiếm lĩnh sân khấu trong nước. Ông càng nổi tiếng thêm khi vua Anh đến dự buổi biểu diễn vở John Bull's Other Island (Hòn đảo khác của John Bull, 1904), sau đó kịch của ông lan tràn sang các nước châu Âu.

18/11/1926 - George Bernard Shaw từ chối nhận tiền thưởng của giải Nobel

Ngoài ra, ông cũng được coi là nhà soạn kịch xuất sắc nhất nước Anh lúc đó, ông muốn dùng nghệ thuật để thức tỉnh con người trước yêu cầu phải thay đổi trật tự tư sản với tất cả các thể chế và tập tục của nó. Ông nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của sân khấu, nhưng xem chức năng giáo dục không phải là sự áp đặt từ phía nhà viết kịch mà là khơi dậy nhu cầu thẩm mĩ của chính khán giả. Những vấn đề gay gắt của xã hội đương thời như thế lực khuynh đảo của đồng tiền, các kiểu bóc lột, tình trạng nghèo khổ của người dân kéo theo các tệ nạn xã hội được phản ánh rõ nét trong kịch của Shaw. Phong cách kịch của Shaw thiên về trào lộng, châm biếm, tìm đường đến chân lí thông qua những nghịch lí.

Mộng tưởng lớn nhất thời trẻ của Shaw là kiếm lấy một khoản tiền, sau đó cưới một cô vợ giàu có. Tuy nhiên, trước khi trở nên giàu có đến mức có thể bỏ ra 35.000 USD để làm từ thiện và đủ tiền để du lịch khắp thế giới, Shaw đã trải qua không ít những năm tháng nhọc nhằn, túng bấn. Ròng rã trong 9 năm đầu khởi nghiệp, Shaw chỉ nhận được 30 USD nhuận bút! Shaw nghèo đến mức không có cả tiền lộ phí để đi đưa bản thảo của mình đến các nhà xuất bản. Quần áo của Shaw rách tả tơi, giày há mõm... Mọi chi tiêu của Shaw trông cả vào nguồn trợ cấp từ người mẹ. Khi đã thành danh và nhớ lại những ngày khốn khó, Shaw thường bùi ngùi: "Lẽ ra tôi phải nuôi gia đình tôi, kết quả thì ngược lại... Tôi chưa hề làm được gì cho gia đình mình, còn mẹ tôi phải cố làm việc mà nuôi tôi dù tôi đã đến tuổi trưởng thành...", nhưng Shaw quyết không từ bỏ nghề viết.

Tự nhận thấy rằng, nếu trông vào số tiền nhuận bút còm cõi nhờ xuất bản tiểu thuyết thì chặng đường đến với đích xem ra thật xa vời, Shaw bèn chuyển sang viết kịch. Shaw đã tính như thế này: Nếu kịch bản được đưa ra công diễn, tác giả sẽ có doanh thu thông qua số lượng vé phát hành và số lượng các show diễn. Đồng thời, tên tuổi của tác giả cũng nhanh được công chúng biết đến hơn. Mặt khác, ông cho rằng, chỉ có sân khấu kịch mới có thể "thức tỉnh con người trước thay đổi của trật tự xã hội hiện đại với tất cả thể chế và tập tục của nó". Bên cạnh đó, Shaw cũng đánh giá ngoài chức năng giải trí thì kịch còn chứa đựng chức năng giáo dục, thông qua việc khơi dậy nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Ông đã không ngần ngại đưa lên sân khấu tất cả những vấn đề gay gắt nhất của xã hội đương thời như sự khuynh đảo của đồng tiền, tình trạng nghèo khổ của người dân kéo theo các tệ nạn xã hội...

18/11/1926 - George Bernard Shaw từ chối nhận tiền thưởng của giải Nobel
Vở Saint Joan vẫn được trình diễn đến tận bây giờ.

Vở "Nữ thánh Joan" - Saint Joan hoàn thành vào năm 1923, được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Shaw, đã được trình diễn khắp các sân khấu châu Âu và ở đâu cũng gây tiếng vang lớn. Hai năm sau khi "Nữ thánh Joan" ra đời, Shaw đã được trao giải Nobel vì "những sáng tác mang tính tư tưởng và chủ nghĩa nhân văn cao cả, đặc biệt là những vở kịch trào phúng đặc sắc, kết hợp với vẻ đẹp lạ lùng của thơ ca". Vốn bản tính hài hước và hóm hỉnh, khi nhận giải Nobel, Shaw đã nói: "Giải Nobel về văn chương chẳng khác gì chiếc phao được ném cho người đã bơi tới bờ rồi". Dẫu cho rằng mình là người đã "bơi đến bờ", song không bao giờ Shaw xa rời cây bút. Và 13 năm sau khi nhận giải Nobel, một trong những kịch bản của Shaw đã được dựng thành phim và đã nhận giải Oscar xuất sắc nhất cho kịch bản. Đó là "Pygmalion", một kịch bản được ông viết năm 1912.

Về chuyện thù lao kịch bản, mỗi năm trung bình Shaw nhận được khoảng 100.000 USD, đủ để chi tiêu cho cuộc sống, "tái sản xuất" sức viết và đi du lịch. Còn chuyện lấy một người vợ giàu có thì mãi đến năm 40 tuổi Shaw mới thực hiện được. Shaw luôn tự cho rằng mình "không có tư cách kết hôn vì luôn làm người khác lo lắng". Về hình thức, Shaw không mấy hấp dẫn vì thân hình gầy gò, chân đi tập tễnh, song xem chừng giới chị em đã không để cho ông thực hiện ý đồ giữ gìn sự "tự do tuyệt đối" của mình. Đã từng có không ít nữ tài tử điện ảnh xinh đẹp chủ động ngỏ lời cầu hôn với Shaw, song ông luôn dùng những câu hài hước để từ chối.

Mô tả về con người George Bernard Shaw, thiên tài vật lý Albert Einstein sau khi gặp ông đã phải thốt lên rằng: "Hiếm có những người đủ độc lập đến mức có thể nhìn ra những điểm yếu và sự lố bịch của người đương thời và đồng thời không để mình bị lụy vào đấy. Song ngay cả như vậy, khi chạm phải sự lì lợm của người đời, những kẻ cô đơn này thường sớm đánh mất lòng dũng cảm trong việc cứu giúp nhân loại. Chỉ rất ít người, bằng sự hài hước tinh tế và bằng vẻ lịch thiệp, có thể làm say mê người đương thời và xứng đáng là người cầm đuốc trên con đường bất vị lợi của nghệ thuật. Hôm nay, với tình cảm nồng nhiệt, tôi xin chào mừng người thầy lớn nhất trên con đường ấy - người đã dạy chúng ta và khiến tất cả chúng ta cảm thấy hạnh phúc". Đó là lần gặp gỡ hiếm hoi của 2 con người vĩ đại tại London vào mùa thu năm 1930.

Theo genK.vn
  • 852