Chiến dịch Uranus đã bao vây 330.000 quân Đức trong một lòng chảo dài 50km từ Đông sang Tây và 40km từ Bắc xuống Nam tại khu vực Tây Bắc Stalingrad, có chu vi lên đến 170km.
Chiến dịch Uranus là mật danh của chiến dịch có tính chiến lược của Liên Xô thời gian cuối năm 1942 trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại khu vực phía Nam mặt trận Xô-Đức, trên hai khúc ngoặt giáp nhau của sông Đông và sông Volga với trung tâm là thành phố Stalingrad. Kết quả của chiến dịch này là việc ba phương diện quân Liên Xô đã bao vây Tập đoàn quân 6 và một phần Tập đoàn quân xe tăng 4 của quân đội Đức Quốc Xã, đánh thiệt hại nặng các Tập đoàn quân 3 và 4 của Romania, tập đoàn quân 8 của Ý và bộ phận bên ngoài vòng vây của Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức.
Bộ binh Liên Xô tấn công quân Trục trong chiến dịch Uranus.
Qua phân tích các tin tức tình báo, nghiên cứu hình thế chiến trường và căn cứ vào thực lực các tập đoàn quân dự bị mới được xây dựng, số lượng vũ khí và các phương tiện chiến tranh do nền công nghiệp quốc phòng cung cấp, giữa tháng 9/1942, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô vạch kế hoạch bao vây và tiêu diệt cánh Nam (cánh chủ yếu) của Cụm tập đoàn quân B (Đức) tại khu vực Stalingrad. Cuối tháng 9, những nét cơ bản nhất của kế hoạch này đã được hoàn thành với mật danh Uranus - Sao Thiên Vương.
Để bảo đảm lực lượng và phương tiện cho chiến dịch, quân đội Liên Xô đã huy động hơn 27.000 xe ô tô để chở quân, huy động 1.300 lượt toa xe lửa mỗi ngày. Việc vận chuyển người và phương tiện vượt sông Đông và sông Volga trở nên phức tạp vì bắt đầu có băng trôi. Toàn bộ gánh nặng vận tải qua sông đều do hai hạm đội vận tải Volga, Sông Đông và công binh đảm nhận. Các tập đoàn quân tại mặt trận Stalingrad phải chịu các cuộc oanh tạc dữ dội, làm cho việc chuyển quân càng thêm khó khăn. Tiểu đoàn công binh số 38 đóng tại mặt trận có nhiệm vụ chuyển đạn dược, binh lính và xe tăng qua phà vượt sông Volga đồng thời phải tiến hành cuộc trinh sát nhỏ dọc theo các phân khu của chiến trường, nơi sẽ là các điểm chọc thủng phòng tuyến của cuộc tấn công sắp tới.
Trong 3 tuần cuối tháng 10, Quân đội Liên Xô đã vận chuyển gần 111.000 quân, 420 xe tăng và 556 khẩu pháo qua sông Volga. Từ ngày 1/11 đến ngày 19/11, tốc độ chuyển quân được đẩy lên cao hơn. Hơn 160.000 binh lính và sĩ quan, 16.000 ngựa, 430 xe tăng, hơn 600 khẩu pháo, 14.000 ô tô và gần 7.000 tấn đạn đã được vận chuyển qua sông Volga. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ngày 11/11, trong chuyến đi kiểm tra cuối cùng, nguyên soái Zhukov đã phát hiện thấy việc chuẩn bị của không quân vẫn chưa đủ để yểm hộ lực lượng mặt đất. Tại Phương diện quân Stalingrad vẫn còn 2 sư đoàn bộ binh (87 và 315) chưa đến được vì thiếu phương tiện vận tải, Quân đoàn cơ giới 4 của thiếu tướng Volsky mới chỉ tập trung được một lữ đoàn xe tăng và còn thiếu hàng trăm tấn nhiên liệu. Tại hai tập đoàn quân 51 và 57, cần phải chuyển gấp đạn dược và áo ấm ra phía trước cho binh sĩ trước ngày 14/11.
Lược đồ kế hoạch tiến quân của Liên Xô.
Căn cứ trên các báo cáo từ chiến trường, 13h10 ngày 15/11/1942, Stalin gửi cho Zhukov bức điện sau đây: "Gửi đồng chí Konstantinov, ngày sơ tán của Fedorov và Ivanov có thể do đồng chí xem và quyết định, sau đó báo cáo với tôi khi về Moscow. Nếu đồng chí cảm thấy ai trong số hai người đó cần bắt đầu sơ tán sớm hơn hay muộn hơn một hai ngày, tôi ủy quyền cho đồng chí quyết định và vấn đề đó do đồng chí định liệu". Cuối cùng, Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô đã lùi thời điểm mở chiến dịch Uranus đến ngày 19/11 (đối với cánh Bắc) và 20/11 (đối với cánh Nam). Việc chênh lệch một ngày là do Phương diện quân Tây Nam phải vượt một chặng đường dài hơn Phương diện quân Stalingrad hàng trăm kilomet để có thể hội quân tại khu vực Kalach - Sovietskaya và còn phải vượt sông Đông trong hành trình tiến quân.
Vào 7h20 ngày 19/11/1942 theo giờ Moscow (5h20 theo giờ Đức), các chỉ huy pháo binh Liên Xô nhận được mật hiệu còi hú, đồng loạt tiến hành trận pháo kích 80 phút trực tiếp vào ba tập đoàn quân Romania và Ý đang bảo vệ hai bên sườn quân Đức. Gần 3.500 nòng pháo hướng về phía Tập đoàn quân số 3 của România và cánh cực bắc bên sườn trái Tập đoàn quân 6 (Đức). Trận pháo kích kéo dài đã áp chế nhiều hỏa điểm và các trận địa pháo của quân Romania; liên lạc hữu tuyến điện bị cắt đứt, nhiều kho đạn bị phá hủy và các đài quan sát về phía trước đều sụp đổ. Nhiều binh lính România sống sót sau trận pháo bắt đầu tháo chạy về phía sau. Hơn một giờ sau, trọng pháo của Liên Xô chuyển làn, nhằm vào các trận địa pháo và các công sự trên tuyến phòng thủ thứ hai của quân Romania, áp chế các vị trí này và làm rối loạn đội hình đối phương.
Ngay sau khi trận pháo kích chấm dứt, lực lượng Liên Xô từ cánh Bắc Stalingrad tràn qua chiến tuyến của quân Trục. Nhiệm vụ đột phá tại mặt trận phía Bắc được giao cho cánh quân xung kích gồm Tập đoàn quân 21 và Tập đoàn xe tăng 5. Yểm hộ bên sườn trái cho cánh quân này là tập đoàn quân 65 của Phương diện quân Sông Đông cũng đột kích từ bàn đạp Kleskaya nhưng theo hướng lệch về phía Đông Đông Nam. Hai cuộc đột kích đầu tiên bị lực lượng phòng thủ Romania đẩy lùi, và hậu quả của những trận pháo dữ dội thực tế càng làm cho xe bọc thép Liên Xô khó khăn hơn trong việc vượt qua các bãi mìn và địa hình. Tuy nhiên, việc thiếu pháo chống tăng làm cho tuyến phòng thủ của quân Romania nhanh chóng sụp đổ. Đến giữa trưa, phòng tuyến tại khu vực này đã bị Liên Xô xuyên thủng. Những ngày tiếp theo, quân đội Liên Xô ngày một tiến sâu vào khu vực phía Bắc Stalingrad và chỉ chờ cánh quân phía Nam xuất hiện để thực hiện kế hoạch bao vây Tập đoàn quân số 6 của Đức.
Xe tăng T-34 tràn qua phòng tuyến quân Trục.
Trong khi đó, tại mặt trận phía Nam, 10h ngày 20/11 cuộc tấn công của Phương diện quân Tây Nam bắt đầu triển khai mà không có máy bay ném bom yểm hộ. Tập đoàn quân 51 của thiếu tướng Trufanov tấn công Quân đoàn 6 thuộc Tập đoàn quân 4 Romania theo hướng chung đến Plodovitoye - Avganerovo, bắt được nhiều tù binh thuộc các sư đoàn 1, 2 và 10 của quân đoàn này. Tập đoàn quân 57 của tướng Tolbukhin tấn công theo hướng chung đến Kalach. Ở ngoại ô phía Nam Stalingrad, Tập đoàn quân 64 của tướng Sumilov tấn công từ khu vực Ivanovka đến Gavrilovka và Vakhvarovka.
Quân Đức lập tức phản ứng bằng cách điều Sư đoàn pháo tự hành chống tăng 560 là lực lượng dự bị duy nhất mà họ có trong khu vực ra tuyến trước. Bất chấp những thành công ban đầu trong việc chống lại lực lượng thiết giáp của Liên xô, phòng tuyến của Tập đoàn quân 4 Romania vẫn nhanh chóng sụp đổ, buộc sư đoàn này phải bố trí lại trong một cố gắng khôi phục tuyến phòng thủ phía nam. Cuộc phản công của Sư đoàn pháo tự hành chống tăng số 29 đã tiêu diệt được khoảng 50 xe tăng của Liên Xô và làm cho Bộ chỉ huy quân Liên Xô lo lắng về sự an toàn cho sườn bên trái của họ.Tuy nhiên, việc rút ra và bố trí lại Sư đoàn 29 cũng làm cho tuyến phòng ngự bên trong của quân Đức mỏng đi. Đến cuối ngày 20/11, chỉ còn Trung đoàn kỵ binh số 6 của Romania đóng quân giữa lực lượng Liên Xô đang tiến lên vào sông Đông.
Thế trận tấn công gọng kìm của Liên Xô hoàn tất vào ngày 23/11/1942, toàn bộ Tập đoàn quân số 6 của Đức như "cá nằm trên thớt". Trong lúc quân Đức bên trong và xung quanh Stalingrad đang lâm nguy, Hitler ra lệnh các lực lượng Đức thiết lập một thế phòng ngự toàn diện và bố trí lực lượng giữa sông Đông và sông Volga như pháo đài Stalingrad, bẻ gãy hy vọng cố gắng mở đường tháo chạy của Tập đoàn quân số 6. Khi nhận được báo cáo khẩn cấp về tình hình nguy ngập của Tập đoàn quân 6 kèm theo bức điện của Friedrich Paulus, Hitler đã bác bỏ ngay ý định thoái lui của Friedrich Paulus, ông ta ra lệnh: "Tập đoàn quân 6 phải bố trí phòng ngự vòng cung, chờ cuộc phản công từ bên ngoài đến giải vây".
Tóm tắt chiến dịch Uranus.
Cuộc phản công mà Hitler nói đến là chiến dịch Unternehmen Wintergewitter - Bão mùa Đông - được thực hiện vào tháng 12/1942 bởi Cụm tập đoàn quân Sông Đông mới được thành lập do thống chế Erich von Manstein chỉ huy. Tập đoàn quân số 6, các đơn vị phe Trục khác và hầu hết các đơn vị của Tập đoàn xe tăng 4 của Đức đã lọt vào vòng vây ngày càng siết chặt của ba phương diện quân Liên Xô. Chỉ có Sư đoàn pháo chống tăng tự hành số 16 bắt đầu chiến đấu mở đường thoát. Chiến cuộc vẫn còn tiếp diễn sau ngày 23/11 khi quân Đức nỗ lực vô vọng mở các cuộc phản công từ bên trong để phá vòng vây.
Chiến dịch Uranus đã bao vây 330.000 quân Đức trong một lòng chảo dài 50km từ Đông sang Tây và 40km từ Bắc xuống Nam tại khu vực Tây Bắc Stalingrad, có chu vi lên đến 170km. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Xô-Đức nổ ra, quân đội Đức Quốc xã bị bao vây trong một "cái chảo" lớn như vậy. Cụm quân Đức bị vây gồm các quân đoàn bộ binh 8, 17, 29, 51 và quân đoàn xe tăng 40 thuộc Tập đoàn quân 6, Quân đoàn cơ giới 24 thuộc Tập đoàn xe tăng 4 và tàn quân của 2 tập đoàn quân 3, 4 (Romania), một trung đoàn bộ binh người Croatia và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật. Cùng bị bao vây với đội quân gồm 22 sư đoàn này còn có 340 xe tăng (trong đó hơn 200 chiếc đã trở thành các công sự bọc thép cố định được chôn ngầm dưới đất), 5.230 pháo và súng cối cùng hơn 10 nghìn xe tải các loại.