Lịch sử và ý nghĩa của ngày Trái Đất

  •   2,84
  • 8.877

Ngày Trái đất (22/4) ra đời cách đây hơn 40 năm có ý nghĩa đặc biệt, là một ngày được dùng để truyền cảm hứng cho nhận thức và đánh giá cao môi trường tự nhiên của Trái đất.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Trái đất

Ông John McConnell, người đề xướng Ngày Trái đất, đã vận động cử hành tôn vinh Trái đất ngày 21/03/1970. Thành phố San Francisco của Mỹ (có nghĩa là thành phố của Thánh Francis - thánh chủ của môi trường) đã hưởng ứng, công bố ngày 21/3/1970 là Ngày Trái đất, và sau đó Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc U Thant đã công bố đó là Ngày Trái đất Quốc tế. Đó là ngày mùa đông chấm dứt chuyển sang xuân, cây cối nẩy chồi ra lá mới.

Nhưng sau này một bộ phận đông đảo những nhóm hàng năm cử hành Ngày Trái đất tin tưởng sau ngày Chúa Phục sinh mới thật sự là Ngày Trái đất, và họ cử hành vào ngày 22/4 hàng năm.

Trong ngày này, mọi người tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Trong ngày này, mọi người tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường.

Ngày Trái đất thứ hai do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, phát động vào ngày 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia.

Đó là ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống.

Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như: tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Là cha đẻ của Ngày Trái đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí Sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống An toàn".

Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ.

Năm 1995, 15 năm sau khi về hưu, Nelson được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do cho những nỗ lực của ông trong công tác môi trường. Ông qua đời ngày 3/7/2005.

Ngày Trái đất 2024

Năm nay, ngày Trái đất là ngày Thứ Hai 22-4-2024.

Hôm nay (22/4) là Ngày Trái đất, chủ đề của Ngày Trái đất năm nay là "Hành tinh và Nhựa" nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040.

Hiện các nước trên thế giới đang nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa, giảm thiểu tác hại mà ô nhiễm nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học.

Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.

Chủ đề của Ngày Trái đất 2024 là "Hành tinh và Nhựa".
Chủ đề của Ngày Trái đất 2024 là "Hành tinh và Nhựa". (Ảnh: Freepik).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.

Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nylon gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.

Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa.

Chủ đề ngày Trái đất các năm trước

  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2015: It's Our Turn to Lead
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2016: Trees for the Earth!
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2017: Environmental and Climate Literacy
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2018: End Plastic Pollution
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2019: Protect Our Species
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2020: Climate action
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2021: Restore Our Earth.
  • Chủ đề Ngày Trái Đất 2022: “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta” (Invest In Our Planet).

Hoạt động hưởng ứng ngày Trái đất

Để hưởng ứng Ngày Trái Đất, việc chúng ta cần làm không chỉ là việc trong ngày này mà còn là việc cần làm thường xuyên, liên tục bất cứ khi nào:

  • Dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, khu vui chơi công cộng, vệ sinh ao hồ, kênh mương,...
  • Trồng thật nhiều cây xanh và rau hữu cơ
  • Không sử dụng túi nilon hay chai nhựa
  • Tận dụng từ căn bếp để ủ phân bón
  • Tận dụng ánh sáng mặt trời, chọn thiết bị tiết kiệm điện năng, tắt hết thiết bị điện khi không sử dụng.
  • Đi lại bằng phương tiện công cộng hoặc xe đạp
  • Ăn thực phẩm đúng mùa, nuôi trồng ngay tại nơi mình sinh sống
  • Giảm tiêu thụ thịt để hạn chế khí nhà kính từ ngành chăn nuôi
  • Lấy hóa đơn điện tử thay vì lấy hóa đơn giấy
  • Đọc trên thiết bị số thay vì in tài liệu ra giấy
  • Hội họp trực tuyến
  • Viết bài tuyên truyền Ngày Trái Đất
  • Sử dụng ít nước hơn
  • Mua lại đồ cũ còn dùng được

Bảo vệ Trái Đất là bảo vệ chính chúng ta!
Bảo vệ Trái đất là bảo vệ chính chúng ta!

Ngoài những việc liệt kê ra ở trên, còn rất nhiều việc khác để bảo vệ môi trường, tuy nhỏ nhặt nhưng góp phần to lớn trong việc bảo vệ Trái Đất luôn tươi xanh của chúng ta.

Cập nhật: 22/04/2024 Tổng Hợp
  • 2,84
  • 8.877