4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"

  •   47
  • 10.458

Con giòi tự nhiên sinh ra, mắt phát ra ánh sáng… là những điều lầm tưởng của giới khoa học trong lịch sử nhân loại.

Khoa học là hành trình con người khám phá và lý giải thế giới xung quanh. Với sự phát triển của cả nhân loại, các nhà khoa học đã và đang giải mã được rất nhiều bí ẩn của tự nhiên.

Tuy nhiên lật lại quá khứ, không phải lúc nào con người cũng làm chủ được tất cả. Có những thời điểm, chúng ta tin vào quan niệm sai lầm và phiến diện vì không thể dùng kiến thức lý giải, hiểu rõ được.

Dưới đây là danh sách những lầm tưởng khó đỡ nhất mà bạn không thể tin rằng chúng đã từng xuất hiện trong lịch sử.

1. Con giòi tự sinh ra từ xác thối

Aristotle (384 - 322 TCN) là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại của nhân loại. Ông là học trò tài năng của Platon và là thầy dạy của Alexandros Đại đế. Với kiến thức uyên bác của mình, ông được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ.

Tuy nhiên, bên cạnh kho tàng nghiên cứu đồ sộ, Aristotle cũng để lại cho hậu thế một lầm tưởng nghiêm trọng: giòi là sinh vật tự sinh ra. Qua việc quan sát các xác chết động vật, ông kết luận rằng giòi tự xuất hiện mà không nở ra từ trứng hay có giòi bố, giòi mẹ.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Theo các nhà khoa học thời xưa, giòi là sinh vật do Mẹ thiên nhiên tự tạo ra khi có xác thối.

Từ lầm tưởng này, nhà khoa học Bỉ - Jan Baptista van Helmont thậm chí còn đưa ra công thức rất kì quặc liên quan tới loài chuột cuối thập niên 1600.

Theo ông, chỉ cần đặt một chiếc áo bẩn hoặc vải vụn hoặc hạt lúa mì vài ngày ở ngoài, chỉ sau 21 ngày, một chú chuột sẽ tự sinh ra.

Phải mất rất lâu lầm tưởng này mới bị bác bỏ. Sau khi quan sát kĩ quá trình phân hủy xác thối, các chuyên gia mới phát hiện ra rằng, giòi là ấu trùng nở ra từ trứng ruồi bên trong xác thối.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Những lầm tưởng trên chỉ được bác bỏ sau khi các nhà khoa học chứng kiến cảnh tượng này

2. Mắt con người phát ra ánh sáng

Thời cổ đại, rất nhiều các nhà hiền triết như Plato, Euclid hay Ptolemy đều tin rằng: mắt con người phát ra ánh sáng. Theo họ, sở dĩ chúng ta nhìn thấy mọi vật là do mắt có năng lực phát ra các tia năng lượng chiếu vào mọi thứ xung quanh.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"

Trên thực tế, các chuyên gia ngày nay đã chứng minh điều ngược lại. Cụ thể, sở dĩ con người nhìn thấy mọi vật là do ánh sáng từ các vật chiếu tới mắt. Sau đó, các tế bào thần kinh ở mắt truyền tín hiệu tới não bộ và cho chúng ta hình ảnh về vật.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Superman có lẽ là "người" duy nhất sở hữu khả năng phát ra ánh sáng bằng mắt

Song thật đáng ngạc nhiên, lầm tưởng này tồn tại ít nhất suốt 10 thế kỷ trong xã hội. Thậm chí ngay giữa thế kỷ XXI, vẫn còn không ít người tin vào điều hoang đường này.

Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy, 67% sinh viên đại học vẫn tin vào việc mắt người phát ra ánh sáng như siêu nhân.

3. Lửa do một thế lực siêu nhiên tạo ra

Người ta thường nói lửa là một trong những phát kiến lớn nhất của con người. Sự xuất hiện của lửa giúp cuộc sống của người tối cổ trở nên dễ dàng, thoải mái hơn. Nhờ có lửa, con người từng bước phát triển, tiến hóa và trở thành văn minh như ngày nay.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Trong rất nhiều nền văn hóa, con người tôn thờ lửa như một vị thần

Nhưng vào thời kì đầu tiên, không ai hiểu được lửa từ đâu sinh ra. Tất cả những gì chúng ta biết chỉ là cọ xát các cành cây khô vào nhau, lửa sẽ xuất hiện.

Năm 1669, nhà giả kim thuật - Johann Joachim Becher đã đưa ra giả thuyết: lửa được tạo ra bởi một thứ được gọi là “nhiên tố”. Theo đó, Becher cho rằng trên Trái đất tồn tại một số vật có chứa "nhiên tố" mới có thể bốc cháy khi bị đốt, những thứ còn lại thì không.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Người ta vẫn nghĩ lửa là do thế lực siêu nhiên không xác định tạo ra.

Lý thuyết này được tất cả mọi người thừa nhận và tin theo trong gần 100 năm. Cho tới khi Joseph Priestley khám phá ra chất khí Oxy - khí duy trì sự cháy, con người mới tìm ra được nguồn gốc thực sự của ngọn lửa.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Nhưng thực ra, thế lực siêu nhiên ấy chính là khí oxy.

4. Phụ nữ lấy người tàn tật sẽ sinh con tàn tật

Cho tới thập niên 1900, trên thế giới có không ít người nghĩ rằng, một người mẹ mang thai nếu nhìn thấy người khuyết tật sẽ sinh ra con mình không lành lặn. Ngay cả các bác sĩ thời đó cũng tin điều này “sái cổ”.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
Ngay cả các chuyên gia y tế thời xưa cũng tin vào điều hoang đường này.

Nhân vật “Người voi” Joseph Merrick (1862 – 1890) từng chia sẻ, dị tật mà anh mang trên người là kết quả của việc mẹ anh đã hoảng sợ khi gặp một con voi lớn tại hội chợ khi mang thai.

4 lầm tưởng mà các nhà khoa học thời xưa tin "sái cổ"
"Người voi" Joseph Merrick - người cho rằng dị tật trên cơ thể là do mẹ ông tạo ra

Mãi sau này, khi y học phát triển, con người mới tìm ra nguyên nhân thật sự dẫn tới các dị tật ở trẻ sơ sinh là do gene di truyền và các yếu tố bệnh tật gây ra.

Theo Trí Thức Trẻ, Mentalfloss, Wikipedia
  • 47
  • 10.458