Robot tự hành Perseverance đáp xuống sao Hỏa hôm 18/2 cùng với nhiều đồ vật độc đáo và mang nhiều ý nghĩa.
Trong nhiều thập kỷ, NASA duy trì truyền thống gọi là "festooning", đưa những đồ vật thú vị lên tàu vũ trụ và robot tự hành bay vào không gian. Pioneer 10 và 11, hai tàu vũ trụ phóng trong thập niên 1970, mang một tấm bảng mô tả vị trí của Trái Đất trong thiên hà cũng như tranh vẽ đàn ông và phụ nữ khỏa thân của Carl Sagan. Một trong những đồ vật trên khoang tàu Perseverance cũng mang nội dung tương tự. Tấm biển gắn cố định vào robot tự hành sử dụng nghệ thuật vẽ nét đơn từng dùng ở tấm bảng trên Pioneer để mô tả Trái Đất, Mặt Trời và sao Hỏa, tất cả đều có mã Morse với ý nghĩa "Hãy cùng khám phá". Đó chỉ là một trong nhiều đồ vật kỳ thú đồng hành với robot Perseverance của NASA.
Tấm bảng kim loại chứa 3 con chip siêu nhỏ. (Ảnh: NASA).
Tấm bảng trên robot Perseverance còn chứa một thông điệp đặc biệt khác là 3 con chip siêu nhỏ chứa 10.932.295 tên gọi từ chiến dịch "Gửi tên tới sao Hỏa" của NASA. Đây là truyền thống đối với những robot tự hành tới sao Hỏa. Robot tự hành gần đây nhất là Curiosity cũng mang 1,2 triệu tên gọi. Ngoài ra, trong con chip còn có 155 bài luận từ học sinh được NASA lựa chọn. Người chiến thắng cuộc thi viết là Alex Mather, một học sinh lớp 7 đến từ Virginia.
Tấm bảng khắc biểu tượng của ngành y ở Mỹ. (Ảnh: NASA).
NASA gửi gắm lời cảm ơn tới các nhân viên y tế đang chiến đấu với Covid-19. Perseverance phóng vào tháng 7/2020, chỉ vài tháng sau khi nCoV xuất hiện ở Mỹ. Nhóm kỹ sư phụ trách dự án muốn ghi nhận tác động của dịch bệnh vào năm robot phóng, đặc biệt là những y bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch. Do đó, họ gắn một tấm bảng nhôm ở bên trái robot tự hành có hình con rắn quấn trên cây gậy, biểu tượng của ngành y tế Mỹ, và hình Trái Đất.
Hình khắc trên cặp camera Mastcam-Z. (Ảnh: NASA).
Dù những tấm bảng mang tên gọi và vinh danh nhân viên y tế thuần túy mang tính trang trí, một số đồ vật khác trên Perseverance còn có chức năng riêng. Một trong số đó là Mastcam-Z, cặp camera có thể phóng to để chụp ảnh màu toàn cảnh sao Hỏa. Mastcam-Z có đầy đủ chức năng của camera và chứa thông điệp quan trọng là "Liệu con người có đơn độc trong vũ trụ? Chúng tôi tới đây để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống và thu thập mẫu vật sao Hỏa để nghiên cứu trên Trái Đất. Chúng tôi hy vọng hành trình có thể thực hiện hành trình an toàn và khám phá vui vẻ".
Cụm từ "khám phá vui vẻ" được viết quanh thông điệp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mastcam-Z cũng khắc hình ảnh các dạng sống sơ khai của Trái Đất như vi khuẩn lam, cây dương xỉ và khủng long, cùng với hình vẽ đàn ông và phụ nữ tương tự tấm bảng trên tàu Pioneer.
Thiết bị SHERLOC trên robot Perseverance. (Ảnh: NASA).
Nhóm kỹ sư của dự án giấu một đồng xu đặc biệt làm từ vật liệu chế tạo mũ bảo hiểm ở một trong các thiết bị. Đồng xu này nằm trong mục tiêu hiệu chỉnh của thiết bị SHERLOC (Quét môi trường có thể ở được bằng quang phổ Raman và chất phát quang để tìm chất hữu cơ và hóa chất), được khắc địa chỉ hư cấu của thám tử Sherlock Homes (221b phố Baker, London). SHERLOC cũng trang trí một mẩu thiên thạch sao Hỏa và 4 mẫu vật liệu làm bộ đồ du hành không gian. NASA muốn kiểm tra những vật liệu này trên bề mặt sao Hỏa.
Mẩu thiên thạch sao Hỏa trong laser địa chất của Perseverance. (Ảnh: NASA).
Các kỹ sư chế tạo thiết bị SuperCam của Perseverance cũng đặt một mẩu thiên thạch sao Hỏa. SuperCam là súng laser đặt trên robot tự hành để làm bốc hơi những mẩu đất đá trên bề mặt sao Hỏa giúp xác định thành phần cấu tạo. Trước đó, mẩu thiên thạch này đã trải qua chuyến bay khứ hồi tới Trạm Vũ trụ Quốc tế.