Bức ảnh màu đầu tiên từ sao Diêm Vương, hoa nở trên sa mạc, mưa sao băng, trăng máu, cầu kính dài nhất thế giới mở cửa 2 tuần rồi nứt,.... là một vài đại diện trong số rất nhiều sự kiện khoa học công nghệ nổi bật mà các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã đạt được trong năm 2015 vừa qua.
Sắp hết năm rồi, bây giờ là dịp để chúng ta nhìn lại một năm qua bằng 50 bức ảnh đại diện cho 50 sự kiện khoa học - công nghệ bên dưới.
Sau chuyển hành trình kéo dài 9 năm, tàu vũ trụ New Horizons của NASA cuối cùng đã tới được Sao Diêm Vương và đây là một trong những hình ảnh mà nó gởi về Trái Đất.
Đây là bức ảnh do tàu vũ trụ Casini chụp lại được trong thời khắc hành tinh dịch chuyển diễn ra trong tháng 5 năm nay. Dịch chuyển (transit) xảy ra khi một thiên thể di chuyển tới trước mặt một thiên thể khác. Bức ảnh trên diễn ra khi mặt trăng Dione của Sao Thổ di chuyển qua trước mặt hành tinh này. Các nhà khoa học đã tận dụng sự dịch chuyển để xác định chính xác thông tin về quỹ đạo các mặt trăng của sao Thổ.
Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng thì công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công tên lửa đẩy Falcon 9, mang vệ tinh lên quỹ đạo và sau đó hạ cánh nhẹ nhàng trở lại mặt đất. Đây là thành công cực kỳ lớn, hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành hàng không vũ trụ trong thời gian tới.
Các tổ chức y tế cuối cùng đã kiểm soát được đại dịch Ebola bùng phát dữ dội tại châu Phi. Dù vậy, đã có 28.000 người bị nhiễm và 11.000 đã qua đời vì căn bệnh này. Việc đưa ra thuốc điều trị đặc hiệu vẫn còn thử nghiệm.
Lượng khói bụi ở Trung Quốc đã đạt mức báo động, cao gấp 50 lần so với ngưỡng an toàn do tổ chức y tế thế giới WHO quy định. Nhiều người dân đã phải luôn mang khẩu trang ở bất cứ đâu và một số nơi, người ta còn phải mua không khí trong lành nhập từ nước khác về để hít thở. Ảnh trên là một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông trong một ngày đầy sương mù ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang chụp vào 21/10 năm nay.
Phát hiện ra nước chảy trên sao Hỏa. Một phát hiện mà NASA đã phải dành hẳn ra một buổi lễ long trọng để công bố với toàn thế giới sau nhiều ngày úp mở. Đây có lẽ một trong những phát hiện vĩ đại nhất trong ngành hàng không vũ trụ, góp phần tăng cường hiểu biết về sao Hỏa và từ đó, tăng cường tính khả thi trong các sứ mạng sao Hỏa trong tương lai.
Con bò này xứng đáng được đeo nơ vinh danh bởi lẽ với chiều cao khoảng 1,84 mét, đây là con bò cao nhất thế giới tính tới hiện nay, chứng nhận bởi tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới.
Khi đang khảo sát các mẩu xương hóa thạch 75 triệu năm trước của một con khủng long, các nhà khoa học đã vô tình phát hiện ra bằng chứng đầu tiên về các tế bào máu của khủng long. Cụ thể, bên trong mảnh vỡ hóa thạch của móng một con khủng long, các nhà khoa học đã tìm thấy các tế bào giống hệt nhau về mặt hóa học so với tế bào máu của chim emu (được cho là có họ hàng gần gũi nhất của loài khủng long). Đồng thời, họ còn tìm thấy nhiều dấu vết của collagen với các axit amin được bảo quản đầy đủ,...
Máy gia tốc hạt lớn mạnh mẽ nhất thế giới Large Hadron Collider (LHC) đã chính thức hoạt động trở lại sau 2 năm tạm ngừng để nâng cấp. Lần trở lại này, máy đã "lợi hại gấp đôi" về mức năng lượng tạo ra khi cho các nguyên tử va chạm so với trước đây. Lần tái khởi động này đã có những tín hiệu khả quan bước đầu, không chỉ kiểm chứng những giả thuyết trước đây mà còn hứa hẹn sẽ phát hiện ra thêm nhiều điều khác trong tương lai, bao gồm cả vật chất tối, lỗ đen,... vốn là những vấn đề đau đầu nhất trong vật lý hiện đại.
Bằng cách dựa trên kỹ thuật chụp ảnh schlieren do nhà vật lý học người Đức August Toepler phát minh ra vào năm 1864 (giúp ghi lại được những thay đổi trong thước đo khúc xạ của không khí), kết hợp với những công nghệ hiện đại của thế kỷ 21, NASA đã chụp được bức ảnh trong khoảnh khắc máy bay đang phá vỡ bức tường âm thanh.
Khó có thể tin được đây là một khung cảnh có thật ngoài tự nhiên. Nhiếp ảnh gia Alexander Heilner đã ghi lại được bức ảnh từ trên máy bay khi đang ngang qua khu vực mỏ Intrepid Potash, gần Moab, Utah. Và từ đây, chúng ta không quá khó đoán ra nguồn gốc của các màu sắc này - một nghệ thuật của hóa học.
Hồi tháng 7, phi công người Thụy Sĩ Andre Borschberg đã thực hiện chuyến bay kéo dài 5 ngày liên tục qua 5000 dặm (hơn 8050 km) trên chiếc máy bay Solar Impulse 2 hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng Mặt Trời.
Bức ảnh đã đạt giải nhất trong cuộc thi Wildlife Photographer 2015 do bảo tàng lịch sử tự nhiên London tổ chức, diễn tả cảnh một con cá voi đang nuốt chửng hàng trăm con cá mòi chỉ trong một ngụm hớp nước của nó. Bức ảnh này đã phải vượt qua hơn 42.000 hạng mục dự thi để giành giải nhất và sẽ được trưng bày tại bảo tàng vào dịp tháng 4 năm 2016 sắp tới.
Sau 43 năm ngủ yên, núi lửa Calbuco tại Chile đã bùng nổ và hoạt động trở lại. Vụ nổ dường như xảy ra quá bất ngờ đối với cư dân địa phương, tuy nhiên chính phủ đã kịp di tản 4000 người dân trong bán kính 20 km quanh ngọn núi. Trong số 90 ngọn núi lửa tại Chile, đây được xem là 1 trong 3 ngọn núi nguy hiểm nhất, tuy nhiên lần bùng nổ này không có người bị thương hoặc tử vong. Trong ảnh là khói và bụi bốc lên từ ngọn núi khi nhìn từ thành phố Puerto Montt chụp ngày 22/4.
Đây là con cá có máu nóng đầu tiên do các nhà nghiên cứu tại Trung tâm khí tượng và hải dương quốc gia Hoa Kỳ phát hiện. Khác với những bạn cá máu lạnh khác, con cá mặt trăng này có thể tạo ra được nhiệt khi chúng bơi, cung cấp hơi ấm cho khắp cơ thể qua các mạch máu đặc biệt. Đồng thời, chúng cũng có một bộ mang đặc biệt nhằm hạn chế mất nhiệt ở mức tối đa, goups chúng giữ âm ngay cả ở độ sâu gần 80 mét dưới mặt nước biển.
Nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục trong năm 2015 này và tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong số nhiều diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra.
Kỹ thuật tinh chỉnh gen CRISPR Cas9 được xem như một bước đột phá vĩ đại trong công nghệ sinh học thế kỷ 21 và bằng cách sử dụng bộ công cụ này, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo nên một con siêu chó với lượng cơ bắp nhiều hơn bình thường. Đây có thể nói là một thành công về mặt kỹ thuật nhưng đồng thời, nó cũng dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội về mặt đạo đức cũng như những tác hại của việc tinh chỉnh gen bừa bãi có thể diễn ra trong tương lai.
Và trong vấn đề tương tự, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép lưu hành loại động vật tùy chỉnh gen có thể ăn được: loài cá hồi đột biến gen phát triển nhanh.
Một con cáo đỏ đang đứng và ngậm một con cáo nhỏ hơn trong miệng tại lãnh nguyên phủ đầy tuyết thuộc Vườn quốc gia Wapusk, Canada. Bức ảnh chụp vào đầu mùa đông này đã mang về cho nhiếp ảnh gia Don Gutoski giải nhất trong cuộc thi Wildlife Photographer năm nay.
Đây là bức ảnh chụp dưới độ phóng đại 120 lần, cận cảnh mắt của một con ong mật đang bao phủ bởi phấn hoa bồ công anh. Bức ảnh đã đạt giải nhất trong cuộc thi Nikon Small World năm nay.
NASA và Nhật Bản hợp tác, kết hợp kính thiên văn và tàu vũ trụ của họ để chụp một bức ảnh tuyệt vời của Mặt Trời với các đốm sáng rực rỡ, các vùng hoạt động dữ dội trên bề mặt.
Hàng triệu bông hoa đua nở tại vườn hoa lớn nhất thế giới Keukenhof tại Hà Lan. Đây còn được mệnh danh là khu vườn của Châu Âu. Thật tuyệt vời.
Đây là hình ảnh trong giấc mơ của trí thông minh nhân tạo do Google phát triển. Bằng cách sử dụng mạng nơ ron nhân tạo, dạy nó học bằng hàng triệu bức ảnh, Google hy vọng rằng họ có thể tăng cường độ chính xác khi nhận diện hình ảnh của AI, từ đó cung cấp cho người dùng những công cụ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, năm nay cũng chứng kiến sự trỗi dậy của công nghệ AI và những ý kiến phản đối nó với lý do sẽ đe dọa sự tồn tại của con người nếu bị lạm dụng sai mục đích.
Các phi hành gia Barry Wilmore (NASA) và Alexander Samokutyaev và Elena Serova (Nga) đang ngồi trong mô đun con nhộng, trên đường từ trạm không gian quốc tế ISS về Trái Đất. Ảnh chụp lúc họ đang bay ở phía trên những đám mây trước khi đáp xuống Kazakhstan vào tháng 3 năm nay.
Một loài cá vây chân mới vừa được tìm thấy tại sâu dưới đại dương thuộc vùng biển bắc vịnh Mexico. Con cá 95mm này được phát hiện ở độ sâu 1500 mét, nơi mà áp lực nước lên tới 1 tấn, đủ để cho thấy sức chịu đựng của nó khủng khiếp tới mức nào.