7 điều cần dạy trẻ để tránh bị sàm sỡ khi chỉ có một mình

  •  
  • 1.545

Trước tình trạng trẻ em bị quấy rối tình dục, sàm sỡ ngày càng một nghiêm trọng. Brightside đã đưa ra 7 cách gợi ý cho phụ huynh dạy con, giúp trẻ an toàn trước nạn quấy rối khi không có cha mẹ ở bên.

Giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện với người lạ
Giữ khoảng cách và hạn chế nói chuyện với người lạ:
Trẻ em đều được dạy rằng không được nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng buộc phải giao tiếp với người không quen. Hãy cho con biết rằng thời gian cho một cuộc nói chuyện như thế chỉ cần kéo dài từ 5 đến 7 giây. Nếu dài hơn, trẻ nên bỏ đi và đến chỗ an toàn hơn. Mặt khác, bố mẹ nên dạy con mình rằng hãy giữ khoảng cách giữa bản thân với người lạ là từ 2m trở lên.

Không sử dụng thang máy một mình hoặc đi một mình cùng người lạ
Không sử dụng thang máy một mình hoặc đi một mình cùng người lạ:
Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ đi thang máy một mình. Trong trường hợp bắt buộc, hãy dạy trẻ đứng tựa vào tường để có thể dễ dàng quan sát hành động của những người xung quanh. Nếu đang đi thang máy một mình, khi người lạ bước vào, tốt nhất trẻ nên ra khỏi thang máy. Bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách từ chối lịch sự khi người lạ rủ đi cùng thang máy: "Cháu đang đợi bố mẹ" hoặc "Bố mẹ dặn cháu không đi thang máy cùng người lạ".

Hét lên khi người lạ tiếp cận
Hét lên khi người lạ tiếp cận:
Nhiều trẻ sẽ không biết cư xử thế nào khi có người lạ tiếp cận mình. Bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng khi người lạ có hành động không đúng như đụng chạm, kéo, dắt tay, trẻ có quyền cư xử "mạnh mẽ" hơn bình thường. Trẻ hoàn toàn có thể tự vệ bằng việc cắn, đá người lạ và gây chú ý cho người xung quanh. Bên cạnh đó, trẻ không nên tự phản kháng mà hãy hét to lên "Cháu không quen người này" để mọi người xung quanh giúp đỡ.

Không mở cửa cho người lạ khi ở nhà một mình
Không mở cửa cho người lạ khi ở nhà một mình:
Khi bố mẹ đi vắng, nếu người lạ gọi, hãy căn dặn trẻ không được mở cửa với bất kì lý do nào. Ngoài ra, trẻ cũng không nên trả lời rằng mình chỉ ở nhà một mình dù đó là ai đi chăng nữa. Nếu đối phương vẫn kiên quyết đòi mở cửa hay có ý định xông vào, trẻ phải nhanh chóng gọi điện cho bố mẹ.

Không tiết lộ thông tin cá nhân cho người lạ trên Internet
Không tiết lộ thông tin cá nhân cho người lạ trên Internet:
Trẻ em ngày nay có khả năng sử dụng mạng xã hội, Internet thành thạo. Bố mẹ nên cảnh báo với trẻ rằng người xấu thường sử dụng Internet để tìm kiếm "con mồi". Chính vì thế, khi sử dụng, trẻ tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cá nhân của mình, trò chuyện với người lạ trên mạng và gặp trực tiếp bên ngoài. Bố mẹ nên trò chuyện thường xuyên với trẻ về chuyện hàng ngày, các mối quan hệ xung quanh để có thể nắm bắt và can thiệp vào những mối quan hệ không lành mạnh đúng lúc.

Dạy trẻ rằng người xấu sẽ không xuất hiện với bộ dạng đáng sợ:
Dạy trẻ rằng người xấu sẽ không xuất hiện với bộ dạng đáng sợ:
Trong nhận thức của trẻ, người xấu đồng nghĩa với ngoại hình xấu. Ví dụ như thường đeo kính đen, ăn bận xuề xòa, gương mặt dữ tợn,... Tuy nhiên, trên thực tế, kẻ xấu có thể là người xuất hiện với vẻ bề ngoài trau chuốt, tươm tất và nụ cười dễ mến. Chính vì thế, bố mẹ phải dặn trẻ cảnh giác với bất kì người lạ nào và biết từ chối trước mọi lời mời.

Không nghe những lời mời "ngọt ngào"
Không nghe những lời mời "ngọt ngào":
Hầu hết trẻ em đều thích được đi chơi. Bố mẹ cần căn dặn trẻ tuyệt đối không được lên xe người lạ nếu có những lời mời như "xe chú xịn lắm, lên chú chở đi một vòng chơi", hoặc "đi theo chú, chú cho ăn món này rất ngon".

Cập nhật: 04/04/2019 Theo Zing
  • 1.545