ADSL về đâu?

  •  
  • 178

ADSL - băng thông rộng đã trở nên quen thuộc và tạo ra một bước thay đổi đáng kể cho người dùng Internet, cho các nhà cung cấp và khai thác công nghệ. 4 năm trôi qua, thị trường ADSL phát triển với những biến động mạnh và ồ ạt đến mức người ta phải đặt câu hỏi liệu nó có đảm bảo? Và rồi, vị thế tương lai của nó sẽ ra sao trước những công nghệ mạng mới?

ADSL - cần bước chuyển

Theo thống kê của Hội Tin học TPHCM đưa ra trong báo cáo toàn cảnh CNTT-TT 2007, nếu trong năm 2005, số kết nối Internet băng rộng ADSL tăng gần 300% so với năm 2004, đạt con số 227.000 thuê bao. Năm 2006, số thuê bao Internet băng rộng tăng 250% đạt con số 577.000 thuê bao thì đến tháng 5/2007 đạt con số 753.000 thuê bao - số kết nối băng rộng tăng hơn 2 lần sau 12 tháng (tháng 5/2006: 310.000 thuê bao).

Theo đánh giá tổng quan, thị trường dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL trong 10 tháng đầu năm 2007 không có nhiều thay đổi so với 2006. Vẫn tiếp tục một loạt cuộc đua khuyến mãi, giảm giá, thậm chí miễn phí lắp đặt được các nhà cung cấp tung ra để tăng người dùng, để mở rộng thị phần, để tận dụng hết cổng kết nối. Từ miễn phí lắp đặt, tặng Modem cho đến cơ hội mua máy tính kèm hấp dẫn… các nhà cung cấp: FPT Telecom, VNPT, Viettel, SPT, Netnam đều có những chương trình rất hấp dẫn để thu hút người dùng.

Tuy nhiên, nhiều người đăng kí vẫn phải nộp đơn chờ cung cấp, rồi thông tin chất lượng ADSL của các nhà cung cấp như VDC, FPT không đúng như cam kết cung cấp cho thấy các nhà cung cấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Đó cũng chính là vấn đề với phát triển Internet - không chỉ tập trung vào tăng số người dùng, giảm giá cước - bởi đó là điều tất yếu sau một vài năm phát triển.

Cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng là điều người dùng rất mong muốn, đặc biệt là những điểm truy cập mới nhưng theo ông Phạm Anh Chiến, chuyên gia CNTT, trước từng là Trưởng phòng tích hợp và phát triển hệ thống, VDC - nhà cung cấp Internet hiện đang chiếm thị phần lớn nhất thị trường nhắm tới của các nhà cung cấp ADSL hiện nay chủ yếu vẫn là các thành phố lớn bởi phần đa vùng nông thôn, vùng sâu, xa chưa phủ hệ thống viễn thông, chưa có đường truyền Internet băng rộng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Chi nhánh công ty Cổ phần viễn thông FPT Telecom cũng thừa nhận hạ tầng ADSL là vấn đề lớn họ phải giải quyết thời gian qua. Chính vì thế, trong năm 2006, FPT Telecom đã đưa toàn bộ khách hàng ADSL lên là công nghệ ADSL ++ để giải quyết vấn đề tốc độ từ modem kết nối của khách hàng và phát triển các dịch vụ từ IPTV mà họ đang triển khai.

Theo ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng công nghệ và tri thức hoá tạo ra nhu cầu không ngừng tăng lên đi kèm với yêu cầu về công nghệ, đặc biệt là Internet tốc độ cao. Nhu cầu lớn là động lực đẩy thị trường lên cao và nó sẽ còn tiếp tục phát triển. Hiện nay, quan trọng nhất, khó khăn mà người ta mong muốn ở các nhà dịch vụ đó là chất lượng, tốc độ truy cập. Đáng mừng là đã có những động thái như quản lý chất lượng Internet về phía cơ quan quản lý nhà nước nhưng quan trọng vẫn là tiêu chí của các nhà cung cấp dịch vụ. Hơn thế, có nhưng không phải nhà cung cấp nào cũng sẵn sàng về vùng sâu, vùng xa, vấn đề doanh thu trước mắt vẫn là điều các nhà cung cấp… khó.

Vị thế tương lai

Theo điều tra của Alcatel - Lucent đối với 300 người sử dụng Internet tại Hà Nội, TP.HCM gồm các đối tượng sử dụng Internet tại quán cà phê, sử dụng tại công sở và sử dụng băng thông rộng tại nhà, 72 - 75% người sử dụng Internet tại quán cà phê và công sở có ý định đăng ký sử dụng Internet băng thông rộng tại nhà. Rõ ràng, tại Việt Nam, nhu cầu về Internet băng rộng rất lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Wimax vẫn là đối trọng được nhiều người nhắc tới cùng với ADSL. Cùng với đó là xu hướng chuyển từ các công nghệ có dây sang không dây đang rất mạnh trên thế giới. Tại các cuộc triển lãm công nghệ, nhiều công nghệ mới biểu hiện các xu hướng tích hợp di động và Internet như HSDPA cũng đã được giới thiệu khiến không ít người đặt dấu hỏi tương lai cho vị thế của ADSL.

Ông Marcus Low, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Intel tại buổi công bố chương trình sôi động kết nối hợp tác cùng VNPT khi được hỏi về sự cạnh tranh giữa các công nghệ kết nối cho rằng: “Mỗi công nghệ đều có những lợi thế riêng của nó mà hiện nay, cái sau ra đời phủ định cái trước là có chứ không phải tất cả. Nếu wimax rất có ích ở những vùng sâu, vùng xa, wifi mang đến sự tiện lợi nào đó thì ADSL về cơ bản, vẫn chiếm ưu thế tại các công sở, gia đình tại các thành phố lớn với những dịch vụ đa dạng và không ngừng phát triển trên đường truyền, mở rộng mạng lưới. Đến một lúc nào đó, ADSL cũng có thể được cung cấp miễn phí. Vấn đề là tạo ra ích lợi từ nó với các dịch vụ tiện ích”.

Là nhà hoạt động trong lĩnh vực chuyển dữ liệu VOIP từ Việt Nam đi quốc tế và ngược lại, ông John Totlon, Phó chủ tịch tập đoàn phụ trách khu vực châu Á của iBasis cho rằng, gọi điện Internet tại Việt Nam có tỉ lệ cao so với nhiều nước trên thế giới. Internet băng rộng là tiền đề phát triển nhiều dịch vụ. Nếu nghiên cứu các dịch vụ phổ biến của người dùng Internet băng rộng, mọi người sẽ thấy, gọi điện thoại Internet là một dịch vụ đầy hứa hẹn. Phát triển công nghệ Internet băng thông rộng là tất nhiên, kể cả trong tương lai. Theo ông John, để phát triển Internet băng rộng, các nhà cung cấp cũng nên lưu ý đến dịch vụ thoại trong chiến lược phát triển của mình.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên chúng tôi, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký hội Tin học Việt Nam cũng đánh giá, từ giờ đến năm 2010, ADSL vẫn là một loại hình, xu thế mạnh vì nhu cầu vẫn rất lớn. Sẽ có những bước chuyển dịch vì xu hướng công nghệ quyết định tất cả, nhưng, thời điểm bắt đầu và việc phát huy hết tiềm năng công nghệ lâu dài là quan trọng.

Theo VTV
  • 178