Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia đã phát minh ra một AI có thể phân tích sinh lí con người giúp phát hiện phân biệt chủng tộc.
Hệ thống AI được tích hợp vào một thiết bị đeo giúp các nhà nghiên cứu có thể phát hiện và phân tích các dấu hiệu sinh lý liên quan đến phân biệt chủng tộc.
Nghiên cứu AI nhằm nhận diện suy nghĩ phân biệt chủng tộc có thể là bước tiến lớn của khoa học thế giới. (Ảnh: The Verge).
Trước kia, người máy không thể làm được những điều đó. Chúng không đọc được suy nghĩ của con người, không thể biết được ai đó đang có những suy nghĩ liên quan đến phân biệt chủng tộc.
Có thể nói, đây là một phát minh có tính chất mở đường cho khoa học trí tuệ nhân tạo. Giúp con người hiểu biết hơn về tình trạng phân biệt chủng tộc ở nhiều cấp độ và hệ thống trong xã hội.
Để xác định sự thành kiến trong tiềm thức con người, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp được gọi là bài kiểm tra liên kết tiềm thức (IAT).
Cụ thể, IAT yêu cầu người thực hiện, trong thời gian nhanh nhất, phải trả lời những câu hỏi tâm lý liên quan đến màu da và những ý niệm tốt xấu. Kết quả trả về sẽ giúp AI hiểu được các biểu hiện thuộc dạng phân biệt chủng tộc. Bài kiểm tra này được thực hiện trên trang web của Đại học Harvard.
Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu đã chỉ ra con người, về mặt sinh lý, có thể cảm nhận mối đe dọa từ những người "ngoại tộc". Điều này đồng nghĩa họ sẽ có những biểu hiện phản ứng sinh lý khi đối diện với ai đó khác chủng tộc mình.
AI đã có khả năng phân tích suy nghĩ của con người để phán đoán. (Ảnh: The Conversation).
Nhóm nghiên cứu đã đưa 2 ý tưởng lại với nhau. Họ thử nghiệm trên 76 sinh viên tình nguyện bằng những bài kiểm tra IAT kết hợp đo lường phản ứng sinh lý.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần vào sự phát triển của hệ thống AI, giúp nó có thể đánh giá và đưa ra suy luận dựa trên dữ liệu thu thập được.
Thế nhưng, việc AI có thực sự nhận biết được ai đó đang phân biệt chủng tộc hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
"Hệ thống AI của chúng tôi có thể dự đoán những biểu hiện thành kiến với độ chính xác đến 76,1%”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, 76,1% vẫn còn là tỷ lệ thấp nếu muốn phát triển một hệ thống AI. Dữ liệu từ IAT vẫn chưa đạt được sự tương đồng để AI có thể tương tác với nhiều chủng tộc.
Theo The Next Web, tương lai nơi con người có thể cầm một thiết bị như "đũa phép" để xác định ai đó có thành kiến với mình vẫn chỉ là một viễn cảnh. Công trình của nhóm nghiên cứu cũng không phải phát triển một thiết bị báo động giúp nhận diện người có xu hướng kỳ thị màu da.
Nhìn chung, nghiên cứu đã góp phần giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các biểu hiện của một người phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, họ còn có thể làm sáng tỏ nguyên nhân phía sau những triệu chứng tâm lý vô thức như cực đoan hóa và hoang tưởng.
Bên cạnh đó, giới khoa học có thể dựa vào nghiên cứu này để chứng minh cho việc một người không quan trọng màu da vẫn có thể phân biệt chủng tộc nếu họ có triệu chứng thiên vị sắc tộc trong tiềm thức.
The Next Web cho biết AI được các nhà nghiên cứu tạo ra không thực sự phát hiện được biểu hiện phân biệt chủng tộc, nó chỉ dự đoán một số dấu hiệu liên quan. Dù vậy, nghiên cứu này vẫn giúp giới khoa học nhận ra thành kiến có thể được phát hiện qua những phản ứng sinh lý con người.