Các vết thương da mãn tính bị loét do tì đè có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu không được điều trị, thậm chí có khả năng dẫn đến phải cắt cụt chi. Để khắc phục, các nhà khoa học đã sáng chế loại băng dán "thông minh" có thể thay đổi màu sắc trước khi những vết thương trên da bị hoại tử.
Điện thoại thông minh được sử dụng để phân tích màu sắc của một trong những miếng băng. (Ảnh: Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri).
Băng dán được một nhóm do Tiến sĩ Chang-Soo Kim, Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri đứng đầu phát triển. Nó bao gồm một vật liệu băng vết thương linh hoạt, dùng một lần, trên đó được in phun một miếng mực nhạy cảm với oxy.
Ý tưởng của nhóm nghiên cứu là băng sẽ được áp dụng cho các vùng cơ thể phải chịu áp lực quá mức, như mắt cá chân hoặc hông của những bệnh nhân nằm trên giường trong thời gian dài. Nếu sự lưu thông máu bắt đầu bị hạn chế ở vùng da bên dưới - là nguyên nhân gây ra vết loét do tì đè - thì mực sẽ thay đổi màu sắc để phản ứng với mức độ oxy của da giảm xuống.
Mực được in lên băng thử nghiệm. (Ảnh: Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri).
Thay vì chỉ để những người chăm sóc cá nhân đánh giá trực quan, một ứng dụng sẽ được sử dụng để phân tích khách quan "cường độ phát quang" của băng trong ảnh chụp trên điện thoại thông minh.
Nếu xác định được lượng oxy của da đang thấp đến mức nguy hiểm, ứng dụng sẽ đưa ra cảnh báo cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ứng dụng này cũng có thể được sử dụng để gửi thông tin đến các bác sĩ đang theo dõi bệnh nhân từ xa qua internet.
Người ta hy vọng khi công nghệ này được thương mại hóa, mỗi miếng băng có thể được làm từ vật liệu có giá dưới 1 USD.