Van tim của con người thực tế không khác van một chiều trong hệ thống máy bơm, có tác dụng lưu thông máu theo một chiều, máu sẽ từ tĩnh mạch chạy về tim và đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, tim sẽ không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể vì lúc đó máu sẽ lưu thông hai chiều còn khi van tim bị hở quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
Để biết liệu căn bệnh hở van tim có gây nguy hiểm hay không, trước hết cần hiểu rõ về nó cũng như hoạt động của tim.
Theo Mayoclinic, trái tim có 4 van giữ cho máu được lưu thông đúng hướng. Các van này bao gồm:
- Van 2 lá
- Van 3 lá
- Van động mạch chủ
- Van động mạch phổi.
Các van này có “nắp” sẽ mở ra để máu chảy qua các buồng tim và đóng lại để giữ cho máu không bị chảy ngược trở lại. Mỗi van thường có 3 nắp, ngoại trừ van 2 lá có 2 nắp.
Hở van là khi các "nắp" của van không khép kín sau khi máu đi qua, khiến cho máu dội ngựơc gây ra ứ đọng phía bên này và thiếu hụt phía bên kia.
Hở van tim sẽ làm quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
Trong giai đoạn đầu, buồng tim có xu hướng giãn ra để tống máu đi dược nhiều hơn, cơ chế bù trừ này khiến cho người bệnh hở van nhẹ không xuất hiện triệu chứng. Nhưng nếu hở van tim nặng sẽ khiến giảm lưu lượng máu bơm đi. Điều này có thể gây ra các triệu chứng suy tim sung huyết với các triệu chứng như:
- Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức hoặc khi nằm thẳng
- Chân sưng hoặc giữ nước ở những nơi khác trong cơ thể
Các triệu chứng của hở van tim
Khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng:
- Khó thở: Triệu chứng thường gặp nhất là người bệnh cảm thấy khó thở hơn, nhất là đối với bệnh nhân bị hở van động mạch phổi, hở van tim 2 lá. Khi người bệnh nằm xuống, dấu hiệu này sẽ tăng lên rõ rệt.
- Mệt mỏi: Do tim không tuần hoàn mang máu đi nuôi cơ thể nên người bị hở van tim thường cảm thấy mệt mỏi, nếu lao động quá sức người bệnh còn có thể ngất xỉu.
- Tim đập nhanh: Không ít người nhầm tưởng tim đập nhanh là dấu hiệu của bệnh nhịp tim đập nhanh không kiểm soát hay rối loạn nhịp tim, nhưng thực tế đây cũng có thể là triệu chứng của bệnh hở van 2 lá giai đoạn đầu.
Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: chóng mặt, hoa mắt, sưng chân hoặc mắt cá chân, ho nhiều vào ban đêm…
Một số đặc điểm riêng ở mỗi loại van bị hở:
- Hở van 2 lá: Người bệnh thường bị khó thở, mệt nhiều hơn và ho khan dai dẳng do máu bị ứ lại ở phổi.
- Hở van 3 lá: Phần lớn không gây triệu chứng, khi hở nặng có thể thấy tĩnh mạch cổ nổi, phù đặc biệt ở các chi do máu ứ tại tĩnh mạch
- Hở van động mạch chủ: Khi van này bị hở cho dù mức độ nhẹ, người bệnh vẫn gặp phải tình trạng mệt mỏi và nặng ngực, đau tức ngực, dễ choáng ngất.
- Hở van động mạch phổi: Hầu hết không có dấu hiệu rõ rệt cho đến khi van bị hở nặng kèm tăng áp phổi hoặc hở kèm các van khác.
Hở van tim có nguy hiểm không còn tùy vào nhiều yếu tố như mức độ hở, loại van hở, bệnh lý đi kèm,... (Ảnh minh họa)
Để đánh giá mức độ hở van tim, người ta phân thành 4 mức độ từ 1/4 cho đến 4/4, nếu mức độ hở từ 2/4 trở lên là nguy hiểm, còn hở van 1/4 thì không đáng kể. Riêng đối với hở van động mạch chủ 1/4 thì lại nguy hiểm hơn vì van tim này kiểm soát lưu thông máu từ tim bơm đi nuôi toàn cơ thể.
Như vậy, để đánh giá hở van tim có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại van hở, mức độ hở, kích thước buồng tim, có xuất hiện rối loạn nhịp tim hay không, các bệnh mắc bệnh kèm khác như tăng huyết áp, tiểu đường…
Cách điều trị bệnh hở van tim
Bệnh hở van tim là bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Về cách điều trị bệnh hở van tim, tùy vào từng giai đoạn phát hiện bệnh sớm hay muộn mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau:
- Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ thì không cần phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để sống hòa bình với bệnh.
- Khi van tim bị tổn thương nặng kèm theo các triệu chứng như: khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi… có nguy cơ dẫn đến suy tim, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật nhằm ngăn chặn diễn biến của bệnh.
- Cần phẫu thuật thay van tim khi van tim tổn thương quá nặng:
Phẫu thuật sửa van tim: Với các van bị hở, bác sĩ sẽ dựa vào cơ chế gây hở để có cách can thiệp khác nhau như: cắt, khâu… giúp các lá van khép kín với nhau.
Phẫu thuật thay van tim: Khi những tổn thương của van tim quá nặng, việc phẫu thuật sửa van tim cũng không còn hiệu quả thì cần phải cắt bỏ van tim và thay thế bằng van tim nhân tạo. Van được dùng để thay thế có thể là van cơ học hoặc van sinh học tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng tránh bị hở van tim
Những người từng bị hở van tim nên chú ý tập thể dục hàng ngày như đi bộ. Nên hạn chế tham gia các môn thể thao có tính cạnh tranh và vận động nặng, nếu muốn tham gia nên hỏi ý kiến bác sĩ.
- Tránh hút thuốc và duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng quan trọng đối với những người bị hở van tim cũng như những người khỏe mạnh. Hiện tượng thừa cân, béo phì cũng là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Hãy tập thể dục mỗi ngày, sinh hoạt điều độ với chế độ ăn khoa học.
- Ăn nhạt (ít muối): Làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh tăng huyết áp và tim làm việc quá sức.
- Không uống cà phê: Cà phê, rượu bia sẽ làm tăng hiện tượng rối loạn nhịp ở người bị bệnh hở van tim vì thế bạn cần tránh xa những đồ uống gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.